Chiến đấu cơ Nga bay sát tàu chiến Mỹ: Khẩu chiến gay gắt

Thứ sáu, 15/04/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Nga- Mỹ vẫn đang tranh cãi nảy lửa xung quanh vụ việc được cho là khá nhạy cảm: chiến đấu cơ Su-24 của Moscow bay “sát bên sườn” tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ ở biển Baltic.

Trực thăng Kamov KA-27 Helix của Nga bay sát tàu USS Donald Cook của Mỹ hôm 12-4.
Ảnh: US Navy

Đáp trả cáo buộc “gây hấn” từ phía Mỹ, ngày 14-4, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố khẳng định, các máy bay ném bom Su-24 của họ đã tuân thủ tất cả quy định về an toàn khi bay gần tàu khu trục USS Donald Cook của Washington hôm 12-4.

AFP dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: máy bay Su-24 “đã quay đầu, chấp hành tất cả các biện pháp an toàn” sau khi quan sát USS Donald Cook - tàu chiến của Mỹ được triển khai đến gần một căn cứ hải quân của Nga. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định: “Su-24 thực hiện các chuyến bay thử nghiệm trong khu vực. Sau khi quan sát tàu Mỹ, phi công Nga đã quay đầu lại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về việc sử dụng không phận trên vùng biển trung lập”. Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi không hiểu sao các đồng nghiệp Mỹ lại phản ứng giận dữ như vậy”.

Mỹ trước đó gay gắt chỉ trích hành động này của Nga, gọi đây là “một trong những hành vi gây hấn hung hăng nhất trong thời gian gần đây của Moscow”. Lầu Năm Góc thậm chí cho rằng, các máy bay chiến đấu Nga đang thực hiện “diễn tập tấn công”. Quân đội Mỹ cũng công bố những bức ảnh và đoạn băng về vụ việc này, cho rằng, hành động bay quá gần như thế này là “rất nguy hiểm”.

Theo Washington, máy bay Nga đã 2 lần hành động như vậy trong những ngày qua. Lần thứ nhất diễn ra hôm 11-4 khi tàu USS Donald Cook ở vị trí cách Kaliningrad của Nga khoảng 70 hải lý. Hai chiếc Su-24 của Nga được cho bay ngang qua tàu này khoảng 20 lần với phạm vi khoảng 915m xung quanh tàu và với độ cao chỉ 30m so với mặt nước biển. Hôm 12-4, hai chiếc trực thăng KA27 Helix của Nga bay nhiều vòng xung quanh tàu USS Donald Cook trước khi 2 chiếc Su-24 tiếp tục bay ngang qua tàu Mỹ ở khoảng cách rất gần, chỉ khoảng 9m.

Tuy nhiên, dù tỏ ra rất tức giận, dù bày tỏ quan ngại về hành vi từ Điện Kremlin, nhưng phía Mỹ đã không hành động đáp trả gì. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, vì sao Washington không bắn rơi máy bay của Moscow? Đơn giản, chiến đấu cơ của Nga không phải là một mối đe dọa. “Mỹ cũng không có chiến tranh với Nga”, báo Navytimes dẫn lời cựu sĩ quan hải quân Mỹ Rick Hoffman nhấn mạnh. Ngoài ra, biển Baltic không phải là khu vực tranh chấp. “Nếu ở Vịnh Persian, hành động của Nga chắc chắn là sẽ không thể chấp nhận và có nguy cơ cao dẫn đến một cuộc đối đầu”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng Ukraine. Và kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga, những cuộc đối đầu kiểu này giữa Mỹ cùng các đồng minh với Nga đã leo thang đáng kể. Cả hai từng cáo buộc vi phạm không phận các nước khác nhau; từng tránh va chạm trên không trong gang tấc và cũng từng suýt đối đầu trên biển.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái như thế này của cả hai bên rõ ràng nhằm mục đích gửi thông điệp cảnh báo về sức mạnh quân sự của nhau. Nhưng tần suất xảy ra tình huống như vậy nhiều làm dấy lên lo sợ về một cuộc đối đầu - dù vô tình hay cố ý. Nhiều người lo sợ, lo ngại này - giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới - chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khả Anh