Chiến sự Israel - Hamas: Nguy cơ lan rộng khi Israel tuyên bố bước vào giai đoạn mới
Hội nghị thượng đỉnh Cairo thất bại
Ngày 20-10, tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo do Ai Cập đăng cai tổ chức nhằm thảo luận cách thức giảm leo thang xung đột giữa phong trào Hamas và Israel cũng như ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực, các nhà lãnh đạo Arab đã tập trung vào sự cần thiết phải chấm dứt căng thẳng ở Gaza và các bên trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên hội nghị đã vắng bóng những nước then chốt như Israel, Mỹ hay Iran và đã không thể đạt được thỏa thuận về cách ngăn chặn bạo lực giữa Israel và Hamas. Cuộc họp kết thúc mà các nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao các nước không thống nhất được một tuyên bố chung.
Sự khác biệt về quan điểm giữa các phái đoàn Arab và phái đoàn châu Âu được cho là cản trở quá trình ra tuyên bố chung của hội nghị. Lãnh đạo các nước châu Âu yêu cầu lên án lực lượng Hamas và công nhận "quyền tự vệ" của Israel. Người phát ngôn Tổng thống Ai Cập, ông Ahmed Fahmy nói rằng hội nghị đã đạt được mục tiêu là "tăng cường sự hiểu biết" giữa các nước tham dự. Theo đó, đại diện các quốc gia tham dự hội nghị đều có chung quan điểm về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm cả nhu cầu cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên, hội nghị đã không thống nhất được về "mức độ lên án" và lời kêu gọi ngừng bắn.
Israel chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh tiếp theo
Ngày 21-10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo quân đội nước này đang "tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh tiếp theo, bao gồm cả tác chiến trên bộ". Theo đó, quân đội Israel đã công bố hình ảnh tập trận bắn đạn thật, trong bối cảnh lượng lớn xe tăng và binh lính đã được tập trung gần khu vực giáp giới với Dải Gaza. Hơn 300.000 lính dự bị cũng đã được triệu tập. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã thị sát khu vực biên giới phía Bắc, nơi cũng đang diễn ra các vụ đụng độ giữa IDF và lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Cùng ngày. nhiều tên lửa chống tăng đã được bắn về phía Israel tại đây, khiến IDF đáp trả bằng pháo kích.
Trong khi đó, lực lượng Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích vào miền nam Dải Gaza kể từ sáng sớm 22-10. Cuộc tấn công qua đêm diễn ra vài giờ sau khi người phát ngôn Quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari kêu gọi người dân Gaza di chuyển về phía nam để tránh nguy hiểm.
Kể từ khi bùng phát xung đột hôm 7-10 đến nay, ước tính đã có 1.400 người Israel thiệt mạng, hơn 4.600 bị thương. Trong khi đó, gần 4.400 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng, và khoảng 13.560 người bị thương. Khoảng 1,6 triệu người, tương đương 60% dân số Gaza, đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột tiếp diễn giữa Hamas và Israel.
Những chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Gaza
Cũng trong ngày thứ 15 kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát, hôm 21-10, đoàn xe viện trợ nhân đạo đầu tiên được phép vào Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah giáp giới với Ai Cập sau 2 tuần bị Israel phong tỏa. Tuy nhiên, Văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết khối lượng hàng hóa nhận được chỉ tương đương với khoảng 4% lượng nhập khẩu trung bình hàng ngày vào Gaza trước khi xảy ra chiến sự và chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng hàng cần thiết sau 13 ngày bị bao vây, với 2,3 triệu người dân đang trông chờ vào nguồn viện trợ.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo những căn bệnh chết người lây truyền qua đường nước sẽ tấn công Dải Gaza nếu viện trợ bị cản trở. Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đảm bảo sẽ có nhiều viện trợ hơn qua cửa khẩu Rafah. Cùng ngày, Ngoại trưởng Brazil kêu gọi hành động ngay lập tức để nối lại đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
Ngày 21-10, các cơ quan của LHQ cho rằng tình hình nhân đạo ở Dải Gaza là “thảm khốc”, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp nhiều hơn nữa của cộng đồng quốc tế. Các cơ quan LHQ cho biết hơn 1,6 triệu người ở Gaza đang rất cần viện trợ nhân đạo. Trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong khi gần một nửa dân số Dải Gaza là trẻ em. Các tổ chức LHQ cảnh báo rằng “thời gian không còn nhiều trước khi tỷ lệ tử vong tăng vọt do dịch bệnh bùng phát và thiếu năng lực chăm sóc sức khỏe”.
AN BÌNH
Mỹ triển khai THAAD tới Trung Đông để "đáp trả các cuộc tấn công"
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 21-10 cho biết nước này sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông, để đáp trả các cuộc tấn công gần đây nhằm vào quân đội Mỹ ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết động thái trên diễn ra sau cuộc thảo luận chi tiết giữa ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bên cạnh đó, ông Austin cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang điều động thêm binh sỹ sẵn sàng triển khai tới khu vực, song không nêu số lượng chi tiết.
Dòng sự kiện:Chiến sự Israel - Hamas
Thực hư việc Israel đã can thiệp vào máy nhắn tin do Hezbollah đặt hàng
Đức nổ súng vào đối tượng mang theo vũ khí ở gần lãnh sự quán Israel
Hai tàu thương mại bị tấn công ở ngoài khơi của Yemen
Israel giải cứu một con tin bị giam hơn 10 tháng ở Gaza
Quốc tế kêu gọi ngăn xung đột lan rộng tại Trung Đông