“Chiến tranh mềm” của NATO

Thứ bảy, 03/05/2014 07:55

(Cadn.com.vn) - Quan hệ giữa NATO và Nga đang ngày càng “cạn kiệt” năng lượng, có thể do chính sách “chiến tranh mềm” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

“NATO trải qua hai thập kỷ cố gắng kéo Moscow xích lại gần hơn. Nhưng bây giờ, rõ ràng người Nga đã coi NATO như đối thủ, vì vậy chúng tôi bắt đầu không còn xem Moscow là đối tác mà là đối thủ”, tuyên bố này của Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow, một cựu nhân viên ngoại giao và cả nhân viên Lầu Năm Góc chứng minh thực tế rõ ràng: mối quan hệ NATO và Nga đang xuống dốc không phanh.

Việc Lầu Năm Góc điều binh sĩ đến Latvia tập trận khiến Nga quan ngại cho an ninh
biên giới. Ảnh: Reuters

Đối tác hay đối thủ?

Theo cáo buộc của ông Vershbow, nguyên nhân bắt nguồn từ việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Moscow và những hành động “gây bất ổn” của Điện Kremlin ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Moscow không có lỗi mà cái “gót chân Achilles” nằm ở chính sách “chiến tranh mềm” của NATO.

NATO - vẫn còn trong quá trình khốn khổ với cuộc chiến thất bại ở Afghanistan - hiện đang xem xét “các biện pháp phòng thủ mới” nhằm ngăn chặn Nga có bất cứ hành vi gây hấn nào nhằm vào các quốc gia thành viên nội khối như các nước Baltic vốn thuộc Liên Xô trước đây. Một trong số những bước đi mà NATO có thể thực hiện là triển khai thêm đáng kể các lực lượng tác chiến đồng minh đến Đông Âu, chủ yếu là Ba Lan, hoặc là thường trực hoặc trên cơ sở luân chuyển. Tuần trước, NATO triển khai lực lượng hải quân trên biển Baltic và nêu bật cam kết của liên minh quân sự này đối với sự an toàn và an ninh của các quốc gia vùng này.

Tuy nhiên, vấn đề “phòng thủ mới” sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi ở NATO trước khi diễn ra cuộc họp ở xứ Wales vào tháng 9 tới, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bất kỳ nhà phân tích nào cũng dễ dàng nhận định, quyền hạn Liên minh Châu Âu (EU) nằm ở Đức và Pháp - hai quốc gia vốn có quan hệ kinh tế vững chắc với Nga. Và chắc chắn, cả hai ông lớn Châu Âu sẽ không bao giờ muốn quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong xu thế Mỹ đang giảm dần ảnh hưởng hiện nay, các nước thường có xu hướng hợp tác hơn là đối đầu.

Vì sao Nga không tin NATO?

Trong cuộc điện đàm hôm 28-4 với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mô tả hoạt động của quân đội Mỹ và NATO gần biên giới của Moscow  là “chưa từng có”.

Lầu Năm Góc ngay lập tức đảm bảo với Moscow rằng, NATO không có ý định “khiêu khích hoặc bành trướng” - và rằng Nga nên hiểu điều này. Nhưng Điện Kremlin dường như vẫn không thể tin tưởng NATO. Nỗi sợ hãi về một đội quân liên minh phương Tây – hợp tác trong các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và mới đây nhất là Libya – vẫn hằn sâu trong tâm trí người Nga. Nó tấn công vào trung tâm ý thức quốc gia về an ninh của Nga, khi tàn tích của Chiến tranh Lạnh có nguy cơ trỗi dậy. Tất cả lại được “thêm lửa” bởi những hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở các quốc gia Đông Âu, và mới đây nhất là việc Mỹ điều 600 binh sĩ đến các quốc gia Ba Lan và các quốc gia Baltic “tập trận”.

5 tàu của NATO thậm chí đã cập cảng Klaipeda của Latvia hôm 2-5 trong sứ mệnh nhằm tăng cường phòng thủ khu vực này vào thời điểm căng thẳng với Nga leo thang. Trong đó có 4 tàu quét thủy lôi và một tàu hậu cần đến từ Na Uy, Hà Lan, Bỉ và Estonia. Ilya Saraev, từng là học sinh trường thiếu sinh quân đầu tiên ở Moscow. Khi phóng viên CNN hỏi về NATO, ông suy nghĩ khá lâu và nói: “Tôi nghĩ rằng NATO có thể là bạn nhưng có điều tôi không hiểu: Tại sao tổ chức này cần phải tiếp cận biên giới với Nga hơn và nhiều hơn nữa”, ông nói.

Lập trường của Nga là NATO phải thực hiện cam kết sẽ không bao giờ mở rộng về phía đông – song Điện Kremlin cho rằng, hiện tổ chức này đang dần dần phá vỡ thỏa thuận. Tuy nhiên, NATO nói rằng, điều này không đúng sự thật mà tất cả do lỗi Moscow. Đổ lỗi, mâu thuẫn... khiến người ta có cảm giác, Nga-NATO mãi mãi khó có thể đứng trên một lập trường chung trong không gian hậu Xô Viết ngày nay.

Khả Anh