Chiến tranh và dầu mỏ
(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến tranh kéo dài 4 ngày giữa Azerbaijan và Armenia đã phần nào cho thấy một nhu cầu thiết yếu trong việc giúp các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu tìm kiếm các nguồn lợi mới để tồn tại và phát triển.
Chiến tranh giữa các quốc gia trở nên hiếm hoi trong hơn 1/4 thế kỷ qua, một kết quả đáng mừng của chính sách ngoại giao hòa bình tốt hơn. Tuy nhiên, xu hướng này bất ngờ trở lại vào đầu tháng 4 này, qua cuộc giao tranh 4 ngày giữa các lực lượng của hai quốc gia đối địch, Azerbaijan và Armenia. Đã có hàng chục người thiệt mạng. Trong khi một lệnh ngừng bắn nhanh chóng được sắp xếp, mối lo xung đột bùng nổ vẫn còn đó. Cái người ta nhìn thấy là cuộc giao tranh chỉ ra một vấn đề toàn cầu: khi giá dầu giảm, các nhà lãnh đạo của các quốc gia phụ thuộc vào dầu đang vùng vẫy trong tuyệt vọng để tồn tại.
Minh chứng rõ ràng và đầu tiên là Azerbaijan – quốc gia được cho là đã mở màn xung đột. Trong nhiều thập kỷ qua, Tổng thống Ilham Aliyev thất bại trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế - từ sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu. Các cuộc biểu tình leo thang như một kết quả tất yếu của sự suy thoái nghiêm trọng và lạm phát tăng lên. Thu nhập bình quân đã giảm gần một nửa. Trong những tháng gần đây, ông Aliyev thậm chí còn thách thức chủ nghĩa dân tộc khi liên tục nói về việc sẽ chiếm lại “những vùng đất bị chiếm đóng” mà cụ thể ở đây là Nagorno-Karabakh. Những bài phát biểu như thế này được cho là nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý khỏi đói nghèo gia tăng.
Chính sách phiêu lưu của Azerbaijan chắc chắn gây chú ý của Mỹ, Nga và Liên minh Châu Âu (EU)… - những bên vốn nỗ lực hòa giải chấm dứt tranh chấp Nagorno-Karabakh. Vào đầu những năm 1990, Armenia và Azerbaijan đã rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện trên các vùng đất này, khiến gần 30.000 người chết, trước khi kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994. Cả hai quốc gia láng giềng này hiện được vũ trang tốt hơn nhiều so với trước đây. Và tất nhiên, thế giới cũng không đủ khả năng giải quyết một cuộc chiến tranh lớn hơn.
Trên thế giới, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào doanh thu dầu mỏ phải tự tìm kiếm các nguồn thu mới. Những nước nằm trong số này, từ Angola cho đến Venezuela… phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá dầu ở mức thấp nhất trong 12 năm qua. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng các ngành công nghiệp xuất khẩu phi dầu mỏ, họ nỗ lực rất nhiều nhất là phải kiềm chế tham nhũng. Trong khi đó, hầu hết các nền dân chủ với sản lượng dầu cao như Nga, Na Uy và Anh... đều sử dụng dầu mỏ để cơ cấu lại nền kinh tế của họ.
Cuộc chiến Azerbaijan- Armenia là tiếng chuông cảnh báo cho các nước quá dựa vào xuất khẩu một mặt hàng chủ lực mà không tính đến những lợi nhuận vào các ngành công nghiệp khác.
Thanh Văn