Chiến trường K, ngày ấy... (Kỳ 1: Những năm tháng không quên!)
Nghe họ kể về một thời gian khổ, "chia lửa" cùng đội quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ để đưa đất nước này thoát khỏi thảm họa diệt chủng năm xưa, tôi càng trân trọng thời hoa đỏ đầy tự hào của thế hệ thanh niên ngày ấy.
Các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Quân khu I, Quân đội Hoàng gia Campuchia dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ H. Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. |
Thời ngọt bùi có nhau
Đã 40 năm qua kể từ ngày lên đường làm nghĩa vụ quốc tế (tháng 10-1978- 10-2018), nhưng với những người từng có mặt trong lực lượng TNXP H.Hòa Vang (Đà Nẵng) ngày ấy, mọi chuyện như mới hôm qua. Nhớ lại thời cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi từng ngụm nước, củ sắn, ông Dương Thành Thị -nguyên Đại đội trưởng Đại Đội TNXP Hòa Vang ngày ấy, nay là Chủ tịch HĐND Q.Liên Chiểu, xúc động: "Đại đội TNXP Hòa Vang thuộc Tiểu đoàn Số 1 Võ Như Hưng có 101 thành viên. Sau khi được tập huấn, chỉnh huấn 3 ngày tại thao trường ở Phước Tường, chiều một ngày đầu tháng 10-1978, chúng tôi xuất quân 2 ngày 1 đêm thì đến nơi đóng quân thuộc tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Đích thân Sư trưởng Sư đoàn 307 Phạm Bân đến nói chuyện, giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn. Nhiệm vụ của chúng tôi là khiêng thương, tải đạn, gùi lương thực thực phẩm phục vụ cho các đơn vị bộ đội chiến đấu, trực tiếp là Sư 307. Ngay trong đêm đó, toàn đơn vị triển khai đào công sự, đề phòng pháo địch. Để có đủ đạn cho bộ đội chiến đấu, có những ngày chúng tôi bốc hơn cả trăm tấn đạn. Sau khi cùng bộ đội và các lực lượng tình nguyện giúp nước bạn giải phóng đất nước (7-1-1979), Đại đội chúng tôi tiếp tục giúp nhân dân khu Đông Bắc Campuchia thu hoạch hoa màu, tu sửa, lợp lại nhà cửa, làm giếng nước. Thực hiện 9 điều quy định trên chiến trường, dẫu thiếu thốn vật chất nhưng ngoài nước uống, củi khô, anh em trong đơn vị không ai đụng lấy hoặc xin bất cứ gì từ đồng bào nước bạn. Cực khổ thật đấy nhưng tình đồng đội chứa chan, nồng ấm"...
Chẳng riêng gì ông Thị, hầu hết những người từng tham gia phục vụ ở chiến trường K, từ lực lượng TNXP đến công nhân làm đường mà tôi có dịp gặp đều có hoài niệm đẹp về thời kỳ "chung lưng đấu cật", "chia lửa" cùng đội quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo. Ông Đặng Văn Toản-cựu TNXP Tiểu đoàn 4, Nguyễn Văn Trỗi, Đại đội Hòa Vang nhớ lại: "Hồi đó ở Hòa Tiến, thanh niên lên đường đi giúp nước bạn Campuchia đông lắm. Tôi đi đợt 2, được phân về Tiểu đoàn 4 Nguyễn Văn Trỗi, Đại đội Hòa Vang, làm nhiệm vụ mở đường. Những năm 78, 79, nước mình vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh, đang trong giai đoạn xây dựng nên vô cùng khó khăn. Dù gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng chúng tôi chấp hành rất nghiêm kỷ luật đã được chỉnh huấn, khi sang nước bạn, ngoài củi khô và nước, chúng tôi không xin hoặc lấy bất thứ gì của người dân nơi đóng quân. Đến cả rau rừng cũng không dám hái". Tôi lại nhớ có lần được nghe ông Mai Thanh Đông (nguyên Bí thư Huyện Đoàn, chính trị viên Đại đội TNXP Hòa Vang ngày ấy) kể: một hôm vì thương anh em phục vụ chiến trường ăn uống kham khổ nên anh nuôi Đại đội đã lén hái một ít rau rừng về cải thiện nhưng bị Chính trị viên Tiểu đoàn phát hiện. Thế là ông Mai Thanh Đông bị kiểm điểm do để anh em trong đơn vị vi phạm các điều cấm khi sang giúp nước bạn. Kiểm điểm xong nhưng rau vẫn không được ăn mà phải đem đổ đi. Từ đó, anh em trong Đại đội không ai dám vi phạm. Hàng tháng mỗi thành viên trong Đại đội được cấp 21kg lương thực, chủ yếu sắn, khoai, bột mỳ. May Đại đội TNXP H.Hòa Vang có 2 anh nuôi nguyên là thợ làm bánh mỳ nên đã nghĩ ra nhiều sáng kiến cải biên món ăn làm từ bột mỳ để anh em ăn đỡ ngán...
Ông Dương Thành Thị- nguyên Đại đội trưởng Đại Đội TNXP Hòa Vang ngày ấy- đi thăm đồng đội từng chung lưng đấu cật ở chiến trường K. Ảnh: P.T |
Gian lao, cực khổ, luôn sống trong làn ranh sống- chết, nhưng điều khiến những người từng phục vụ ở chiến trường K "ngán" nhất là những cơn sốt rét ác tính. Ông Huỳnh Mẫn, trú P.Hòa Thuận Đông (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên công nhân Cầu đường 14 thuộc Công ty cầu đường 504 Khu đường bộ Khu 5, có 3 năm làm đường phục vụ chiến trường K tại xã Bình Giáo, H.Chư P'Rông (Gia Lai) giáp biên giới Campuchia, tâm sự: "Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm, có người mới 16 tuổi đã xung phong lên đường đi làm nghĩa vụ quốc tế, nào có biết gian khó đang đón chờ mình phía trước. Ngày ngày, nam thì phá đá, gánh đá, nữ thì đập đá để đắp đường cho xe bộ đội đi qua. Những hôm mưa thì tất cả đi chống lầy, tối mịt mới về lán trại nghỉ ngơi. Bữa ăn chủ yếu là sắn lát ghế cơm, sang nhất là được ăn mỳ sợi và bo bo. Tuy khổ nhưng so với bộ đội thì có thấm vào đâu, nên chẳng ai than thở, chỉ sợ nhất là sốt rét thôi. Có người đang ngồi ăn cơm thì lên cơn sốt rét ác tính chết trên đường khiêng về trạm xá...".
Lập bàn thờ cho người sống
Tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng lực lượng TNXP, lực lượng làm đường cũng luôn đối mặt với hiểm nguy. Bên kia biên giới là Pôn Pốt, bên này Việt Nam thì có tàn quân FULRO. Ông Huỳnh Mẫn kể, có năm, đoàn xe anh em về quê ăn tết, khi lên lại đến ngã ba Hàm Rồng thuộc H.Chư Prông (Gia Lai) thì bị FULRO phục kích vì tưởng đó là xe bộ đội, khiến hơn 10 người hy sinh... Nhiều người bị thương, hy sinh do bị trúng mìn của Pônpốt...Trong những năm tháng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia, do điều kiện chiến trường ác liệt nên không có thông tin liên lạc với hậu phương. Vì thế, ở quê nhà, nhiều gia đình đã lập bàn thờ cho người thân. Ông Lê Đức Lúa (quê Hòa Xuân, Hòa Vang, nay là Q.Cẩm Lệ)-anh nuôi Đại đội TNXP H.Hòa Vang ngày ấy, là một trong số những người được gia đình lập bàn thờ vì tưởng đã hy sinh. Ngày ông trở về, cả gia đình sửng sốt ngỡ như trong chiêm bao...
(còn nữa)
Ghi chép: P.THỦY