Chính biến ở Myanmar - Phép thử đối với ông Biden

Thứ sáu, 05/02/2021 16:00

Chính biến ở Myanmar là thử thách lớn đầu tiên của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo vốn đã gọi đó là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này”.

Quân đội Myanmar trên đường phố. Ảnh: AFP

Khi cuộc chính biến ở Myanmar nổ ra ngày 1-2, nhiều người nhìn về Washington.

Và trong tuyên bố ngay sau động thái bất ngờ ở Myanmar, tân Tổng thống Joe Biden lên án tình hình khủng hoảng chính trị ở Myanmar, gọi cuộc tiếp quản nắm quyền của quân đội là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước”. Ông còn gây chú ý với tuyên bố Washington đang “ghi chú lại những ai đang sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút khó khăn này”. Ông chủ Nhà Trắng còn cam kết sẽ phối hợp nhiều hơn với các đồng minh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. “Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc giục quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đang nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ”, Tổng thống Biden kêu gọi.

Nhà lãnh đạo Mỹ đề nghị quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với viễn thông và kiềm chế bạo lực đối với dân thường. “Trong một nền dân chủ, vũ lực không bao giờ được tìm cách vượt qua ý chí của người dân hoặc cố gắng xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy”, ông Biden nói trong một tuyên bố kêu gọi một phản ứng quốc tế phối hợp. Ông chủ Nhà Trắng Biden đe dọa sẽ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Myanmar về việc buộc loại bỏ chính phủ dân sự và việc giam giữ nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình.

Theo các chuyên gia, cuộc chính biến lật đổ một chính phủ dân sự mong manh và đặt ra thách thức cho chính quyền mới của ông Biden. Các nhà lãnh đạo quân sự ở Myanmar, sau khi bắt giữ bà Suu Kyi, đã sử dụng ngôn ngữ lặp lại những tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về một cuộc bầu cử không công bằng và kết quả không thể tin cậy được. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, gọi vụ bắt giữ bà San Suu Kyi là “kinh hoàng” và yêu cầu một phản ứng cứng rắn của chính phủ. Ông McConnell nhấn mạnh Washington cần buộc những người đứng sau cuộc đảo chính “trả giá”. Ông cũng đã kêu gọi quân đội Myanmar “thả ngay lập tức” các nhà lãnh đạo dân sự.

Các nhà phê bình cảnh báo, những tuyên bố lặp đi lặp lại, vô căn cứ của cựu Tổng thống Trump về gian lận trong cuộc bầu cử Mỹ, với đỉnh điểm là vụ tấn công chết người vào Điện Capitol một tháng trước, có thể đang được sử dụng để làm suy yếu vị thế của Mỹ ở nước ngoài. Ông Biden cam kết đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại vai trò lãnh đạo trong việc lên án các hành động phản dân chủ trên toàn thế giới. “Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ đối với dân chủ”, ông Biden nói và nhấn mạnh, “việc đảo ngược tiến trình đó đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật xử phạt và các cơ quan chức năng của chúng tôi”.

Theo Reuters, chính biến ở Myanmar đã khiến nhiều người trong chính quyền ông Biden có quan hệ mật thiết với bà Suu Kyi trong quá khứ bị sốc. Nhiều nghị sĩ đã yêu cầu Tổng thống Biden quyết đoán trước tình hình ở Myanmar. Một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền ông Biden mở các cuộc thảo luận nội bộ cấp cao, nhắm đến một phản ứng mạnh mẽ “toàn chính phủ” đối với cuộc đảo chính ở Myanmar. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin này, Nhà Trắng sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ trước khi hành động. Nhưng câu hỏi đặt ra là “Điều gì đang xảy ra ở Myanmar?”.

Theo giới phân tích, Mỹ có thể áp dụng lại các lệnh trừng phạt đối với Myanmar đã được dỡ bỏ trong thập kỷ qua và thúc đẩy việc trục xuất nước này khỏi các cơ quan quốc tế. Và một câu hỏi khác nữa đặt ra cho chính quyền ông Biden là liệu có nên chính thức dán nhãn việc tiếp quản chính quyền của quân đội là một cuộc đảo chính, mang ý nghĩa pháp lý bao gồm các hạn chế sự can dự của Mỹ với những thành phần bị cáo buộc đứng đầu cuộc đảo chính.

KHẢ ANH