Chính trị viên tàu không số

Thứ tư, 01/10/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Bình dị như chính ngôi nhà 9A/1B  nép mình trong con hẻm nhỏ ở khu phố Đặng Tất, P. Vĩnh Hải, TP Nha Trang (Khánh Hòa), chủ nhân của nó sống lặng lẽ ngày ngày vui vầy bên con cháu. Nếu không có những cuộc gặp gỡ những người đồng đội cũ, ít ai biết ông là chính trị viên, Bí thư chi bộ của một chiếc tàu thuộc Đoàn tàu không số liệt oanh...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Kỷ niệm chương cho ông Trần Ngọc Tuấn.

Vị cựu chiến binh trên đoàn tàu không số năm xưa có tên khai sinh là Trần Anh Tuấn, nhưng trong quân ngũ, cái tên Trần Ngọc Tuấn vẫn thường được dùng hơn, nhất là  trên giấy tờ và trên những tấm Huân, Huy chương. Trần Ngọc Tuấn sinh năm 1933 tại H. Hiệp Đức, Quảng Nam. Tròn 20 tuổi, Trần Ngọc Tuấn viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tham gia đoàn tình nguyện quân tại Hạ Lào vào tháng 5-1953. Sau đình chiến toàn Đông Dương, tháng 11-1954, đơn vị tập kết ra Bắc. Cuối năm 1959, người chiến sĩ trẻ vinh dự được cử đi học lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Sĩ quan lục quân I và 3 năm sau đó được phân công làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 130, căn cứ I - Hải Quân. Bước ngoặt cuộc đời ông mở ra khi vào cuối năm 1963, ông được điều về đơn vị đặc biệt: Đoàn 759. Tại đây, ông đảm trách chức vụ Chính trị viên - Bí thư chi bộ các tàu 56 - 55 và sau cùng là tàu 43.

"Nhận thức nhiệm vụ được giao là vận tải chiến lược hỗ trợ miền Nam ruột thịt, tôi cùng đồng đội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vượt biển Đông vào các chiến trường Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cà Mau, đặc biệt là mười chuyến hàng vào chiến trường Khu V. Có chuyến phải mất đến 2 - 3 tháng ròng trong sự mong ngóng từng ngày của tiền tuyến... Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi là lần được cấp trên giao ba chuyến đi phục vụ chiến dịch vô cùng ác liệt: chuyến đột phá bằng tàu sắt vào bến Lộc An, sông Ray, Bà Rịa cuối tháng 12-1964, trực tiếp trang bị cho một Trung đoàn chủ lực để đánh trận Bình Giã; chuyến đột phá vào bến Sa Kỳ, Quảng Ngãi phục vụ chiến dịch đánh lớn ở chiến trường Khu V vào tháng 3-1967; chuyến phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi", ông Tuấn hồi tưởng.

Ông Trần Ngọc Tuấn.

Trường kỳ trên biển, việc chạm trán với tàu chiến, máy bay địch là không tránh khỏi. Trong đó có những trận đối đầu đáng nhớ: tháng 3-1967, tàu ông chiến đấu với ba tàu chiến Mỹ có cả máy bay yểm trợ kéo dài suốt hơn 3 giờ trên vùng biển Bình Sơn (Quảng Ngãi). Kết quả, tàu của ông đã bắn bị thương 1 tàu chiến Mỹ và diệt gọn 3 Hải thuyền của chúng; lần đối đầu với 4 tàu khu trục, 10 tàu cao tốc, 3 máy bay trực thăng Mỹ cũng hơn 3 giờ đồng hồ trên vùng biển hoàn toàn do địch kiểm soát, ông cùng đồng đội tiêu diệt 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác, đồng thời bắn rơi 3 chiếc trực thăng trên vùng biển thôn Quy Thiện, Phổ Hiệp, Quảng Ngãi (3-1968)...

Điều làm ông Tuấn day dứt nhất đó là chuyến đi lành ít dữ nhiều vào tháng 3-1967, khi tàu ông bị địch bao vây đánh ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước tình thế bức bách, ông phải chính tay đặt kíp nổ thực hiện công việc phá hủy con tàu của mình, các chiến sĩ tàu không số sau đó được Tỉnh đội Quảng Ngãi ứng cứu. "Trong chuyến trở về, nhiều đồng đội tôi đã không đủ sức gắng gượng vì đói rét, bệnh tật. Nhiều người còn rất trẻ và có anh lính mới cưới vợ được vài tháng... Còn những người may mắn hơn, phải mất khoảng 7 tháng sau mới về được đơn vị ở Thủy Nguyên, Hải Phòng trong tình trạng sức lực suy kiệt, bệnh tật bủa vây", ông rớm nước mắt.

Ông Tuấn cùng đồng đội tàu 56.

Như sau nỗi đau ấy, ông và đồng đội lại gấp rút chuẩn bị cho một chuyến đi mới. "Hầu như chuyến đi nào cũng bị tàu Mỹ truy kích. Và tôi lại thêm hai lần trực tiếp chỉ huy tổ cảm tử cài kíp nổ vào bộc phá hủy tàu không để lọt vào tay giặc. Lần thứ nhất, tôi trực tiếp điểm hóa chính xác 3 loại kíp gồm kíp hóa học, kíp dây cháy chậm và kíp điện, nối liền với đồng hồ định giờ 30 phút vào 5 vị trí bộc phá đã đặt sẵn trên tàu. Khi kiểm tra đồng hồ chạy được 5/30 phút mới rời vị trí. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, tôi và đồng đội sẽ vĩnh viễn nằm lại đại dương với tàu.

Đó là 5 giờ 30 ngày 14-3-1967 tại Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Lần thứ hai, tôi cũng trực tiếp chỉ huy tổ cảm tử điểm hỏa ba loại kíp như trên trong chảo lửa dày đặc địa pháo trên đất liền, trên hạm đội 7, trên máy bay... Đó là 4 giờ ngày 1-3-1968 tại thôn Quy Thiện, Phổ Hiệp, H. Đức Phổ (Quảng Ngãi). Chính trong lần này, tôi đã bị thương. Du kích địa phương nhanh chóng đưa tôi xuống hầm bí mật để tránh một trận càn của lính thủy đánh bộ Mỹ suốt 5 ngày, sau đó mới tìm đường lên bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị. Trong nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng này nhiều lần nhắc đến tên tôi cùng những ngày trị thương ở đây".

Ảnh tư liệu: "Tàu không số" mang hiệu 56.

Trải qua nhiều năm lênh đênh chinh chiến trên biển, năm 1968, trong một cuộc vượt biển để chi viện cho trận đánh Mậu Thân, ông bị thương nặng. Đó cũng là thời điểm ông nghẹn ngào chia tay các đồng đội...

Hòa bình lập lại, người chính trị viên tàu không số năm xưa định cư ở Nha Trang và tiếp tục trải qua nhiều năm công tác. Nhằm vinh danh những cống hiến không mệt mỏi trên con tàu huyền thoại một thời, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Đoàn tàu 56 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Kiên trung trong tranh đấu, trở về với cuộc sống đời thường, ông là người cựu chiến binh tiên phong trong công tác vận động thanh niên lên đường nhập ngũ; là người thay mặt chính quyền giáo dục, cảm hóa thanh niên hư hỏng. Hiện tại, giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, hai ông bà vẫn sống lặng lẽ, bình dị bên nhau ở một góc phố yên tĩnh. Niềm vui mỗi ngày của vợ chồng người lính già là vui vầy bên con cháu, gặp gỡ những người đồng đội cũ, ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng năm xưa cùng với những ký ức đẹp của những năm tháng góp phần làm nên huyền thoại Đoàn tàu không số, làm nên "Đường Hồ Chí Minh trên biển" thần thánh.

Ngô Thế Lâm