Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ I năm 2015: Hứa hẹn nhiều thú vị
(Cadn.com.vn) - Bảo tàng Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức một sự kiện độc đáo, hứa hẹn đem đến nhiều điều thú vị cho người dân và du khách trong kỳ nghỉ sắp tới: “Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ I năm 2015”, diễn ra từ ngày 27-4 đến 1-5, tại khuôn viên sân vườn Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 – Trần Phú, Đà Nẵng.
Chợ phiên đồ xưa Đà thành quy tụ nhiều hội viên của Chi hội Di sản văn hóa Sông Hàn, Chi hội sưu tầm cổ vật Đà Nẵng và những nhà sưu tập cá nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo danh sách của Bảo tàng Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, ít nhất 20 nhà sưu tập đăng ký tham gia phiên chợ.
Quy tụ đồ xưa, đồ cổ
Tuy nói là chợ phiên “đồ xưa” (hiện vật dưới 100 năm tuổi) nhưng khá nhiều nhà sưu tập cho biết sẽ giới thiệu ở đây khá nhiều “đồ cổ” (hiện vật hơn 100 năm tuổi). Trao đổi với chúng tôi, nhà sưu tầm Trịnh Tấn Liêm (TP Hội An, Quảng Nam) cho biết sẽ giới thiệu khoảng 50 - 100 món đồ xưa, cổ vật, gồm đồ đồng, đồ gốm sứ và kỷ vật chiến tranh. Trong số đó, ông sẽ giới thiệu cổ vật tâm đắc nhất đang sở hữu là chiếc bàn ủi có từ thời nhà Lê. Ông Liêm cho biết, đây là chiếc bàn ủi bằng đồng, có tay cầm bằng ngà (nay không còn), được ông mua lại từ 15 năm trước. Chiếc bàn ủi hình tròn, đường kính khoảng 12cm, cao khoảng 5cm, có họa tiết, hoa văn nổi thể hiện là đồ dùng của vua (ngự dụng), có thể là một trong những chiếc bàn ủi hiếm của Việt Nam còn sót lại. Ông Liên dự kiến sẽ tìm được người giao lưu, trao đổi hoặc mua lại cổ vật độc đáo này ở phiên chợ.
Chiếc bàn ủi “ngự dụng” thời nhà Lê của nhà sưu tập Trịnh Tấn Liêm dự kiến sẽ trưng bày |
Một nhà sưu tập khác, ông Võ Quốc Toàn (trú 459/27 – Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng), dự kiến tham gia phiên chợ và giới thiệu chiếc bình cổ Lái Thiêu niên đại từ thế kỷ XIX. Chiếc bình cao 62cm, chạm nổi hình bát tiên, bách hoa rất tinh xảo. Nhà sưu tập Lưu Thiên Hoàng (xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) dự kiến sẽ giới thiệu 30 món đồ tại phiên chợ, trong đó có món đồ gốm Chu Đậu, là hiện vật trục vớt ở Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) gần 10 năm trước. Ông Hoàng cho biết, 3 món đồ gồm 2 chiếc đĩa tròn nhỏ, chu vi khoảng 15cm và 1 đĩa tròn lớn, chu vi khoảng 35cm. Các món đồ này đã được ông mua vài năm trước, đem đi giao lưu, giới thiệu nhiều lần trong giới sưa tập và được đánh giá khá cao. Tại phiên chợ sắp tới, ông hy vọng sẽ tìm được người cũng như giá thích hợp với những món đồ này.
Bên cạnh những món hàng đắt giá vốn chỉ thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm hoặc số ít những người có điều kiện, đam mê cổ vật, phiên chợ còn là sự quy tụ của hàng trăm món đồ xưa đáng chú ý, có thể nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ông Nguyễn Văn Lâm (trú Tổ 97, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu), nhà sưu tập đăng ký tham gia phiên chợ, cho biết sẽ giới thiệu một số hiện vật thời chiến có giá trị, trong đó có chiếc máy dập thẻ bài vẫn còn sử dụng được. Ông chưa có dự định bán chiếc máy này, thay vào đó, khách tham quan có thể đặt dập thẻ bài cho riêng mình từ chiếc máy này...
Theo BTC, sẽ có ít nhất 50 loại hiện vật trưng bày “gợi nhớ những ký ức xưa” tại phiên chợ. Đó là các loại tiền xu, tiền giấy trước những năm đổi mới, những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, sách cũ hay những kỷ vật chiến tranh như ba lô, bi đông, lược nhôm làm từ thân máy bay đến đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn...
Một không gian văn hóa
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị đăng cai phiên chợ cho biết, đây là lần đầu tiên ở Đà Nẵng có hoạt động này. Thực tế, cũng ít địa phương nào từng đứng ra đăng cai phiên chợ tương tự (ở TPHCM, Hà Nội từng tổ chức nhưng chủ yếu là tự phát, do một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức). Nếu Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ I năm 2015 thành công, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tham mưu cho các cấp cho phép tổ chức các phiên chợ tiếp theo.
Mỗi nhà sưu tập, cá nhân trưng bày, giới thiệu hiện vật tại Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ I năm 2015 có sạp hàng riêng biệt; có ghi tên tuổi của từng cá nhân tham gia, từng loại hàng hóa tham gia để thuận tiện cho việc kiểm tra, quản lý. Mỗi gian hàng có diện tích trên dưới 5m2, trưng bày, giới thiệu hiện vật tại các gian hàng đồ xưa phải đảm bảo được những tiêu chí cơ bản về nguồn gốc, chủ nhân, lý lịch, tên gọi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hiện vật... Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, đến thời điểm này, công tác tổ chức cơ bản đã hoàn tất. Ban tổ chức hy vọng, phiên chợ sẽ đem đến sự trải nghiệm độc đáo, thú vị cho người dân, du khách, thông qua đó nâng cao ý thức và lòng tự hào dân tộc của giới trẻ, cùng nâng niu, gìn giữ giá trị của đồ xưa, cổ vật nói riêng, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nói chung.
Bên cạnh đó,theo ông Thiện, thực tế hiện nay, các nhà sưu tập của Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương lân cận vẫn còn khá khép kín, chủ yếu chơi đồ xưa, đồ cổ theo sở thích cá nhân, chưa có nhiều không gian để họ trưng bày, giới thiệu một cách rộng rãi “gia tài” của mình trước công chúng. Phiên chợ hy vọng cũng sẽ mở ra một không gian văn hóa cho người yêu thích, quan tâm đến đồ xưa, đồ cổ, để họ có thể giao lưu, mua bán, trao đổi một cách rộng rãi, với sự đánh giá, thẩm định không chỉ của những người trong giới sưu tầm mà còn của công chúng, thị trường.
Nguyễn Lê