Chống tảo hôn ở vùng cao Hướng Hóa
H.Hướng Hóa (Quảng Trị) đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân 10 đến 15%/năm số cặp tảo hôn đối với địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số.
BĐBP Quảng Trị tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước đến đồng bào vùng cao.
Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số vừa được huyện này ban hành vào ngày 18-10-2021. Từ mục tiêu ấy, nhìn lại thực trạng tảo hôn 5 năm qua tại địa bàn Hướng Hóa càng hiểu đây là “cuộc chiến” dài lâu, cần sự chung sức hành động của chính quyền, nhiều lực lượng, ban ngành và cả sức dân.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra trên địa bàn H.Hướng Hóa, âm ỉ, dai dẳng. Từ năm 2016 đến 2020, đã ghi nhận tổng cộng 692 cặp tảo hôn, tỷ lệ dao động từ 16,6-21,36%. Tuy nhiên, theo UBND H. Hướng Hóa, đây vẫn chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Trong 21 xã, thị trấn, có nhiều địa bàn có tỷ lệ luôn cao và không giảm. Tảo hôn mất đi cơ hội học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực…
Hệ lụy đó đã thấy rõ, đầy xót xa, nhức nhối nhưng bao năm qua vẫn xảy ra. Bởi nhiều hủ tục còn tồn tại trong đời sống đồng bào thiểu số như tục bỏ của sớm, tục thách cưới, hứa hôn, kết hôn sớm để có người làm nương rẫy… Bên cạnh đó, việc thất học, thiếu hiểu biết pháp luật, ảnh hưởng của quan niệm, thành kiến, phong tục, tập quán, như phong tục đi “sim” vốn dĩ là tập tục đẹp (là cách đi tìm người yêu của con trai con gái người Vân Kiều khi đến tuổi dựng vợ gả chồng) hiện đã bị biến tướng do lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên bị ảnh hưởng từ lối sống hiện đại: quan hệ tình dục trước hôn nhân, tiếp cận dễ dàng phương tiện truyền thông, Internet, phim ảnh đồi trụy. Bên cạnh đó, tảo hôn do quan hệ tình dục không an toàn trước hôn nhân dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn, buộc gia đình 2 bên phải tổ chức lễ cưới. Trở thành “bà mẹ nhí” bất đắc dĩ đã khiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng.
Chủ tịch UBND H. Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết hậu quả của tảo hôn rất nặng nề, việc xây dựng và triển khai Đề án trên là nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo ngăn chặn, phòng ngừa vấn nạn tảo hôn trên toàn huyện. Tất cả vào cuộc, hành động quyết liệt với các giải pháp quản lý, chỉ đạo điều hành; thông tin tuyên truyền, truyền thông; cũng như giải pháp về nguồn lực. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong công tác truyền thông của các nhóm trẻ em nòng cốt, CLB thủ lĩnh, trẻ em trai, trẻ em gái tại địa phương. Hàng năm hướng dẫn xây dựng và ban hành quy ước “Thôn không tảo hôn” cho 1 đến 2 thôn, bản ở các xã có tỷ lệ tảo hôn cao, phấn đấu đến năm 2025 các xã có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn thực hiện có hiệu quả và nhân rộng quy ước ra các thôn, bản trong toàn xã…
Tin tưởng với Đề án đã chỉ rõ nhiều nguyên nhân tồn tại, vạch ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp sát sao thực tế, H. Hướng Hóa sẽ đạt được mục tiêu và ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn đang âm ỉ, nhức nhối hiện nay.
Bảo Hà