Chủ động ứng phó bão Côn Sơn trong bối cảnh giãn cách
Bão số 5 (bão Côn Sơn) được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Để chủ động phòng, chống bão, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân, tuân thủ các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Lực lượng vũ trang và người dân phối hợp đưa 1 thuyền thúng tại bãi biển Mân Quang (Q. Sơn Trà) vào nơi an toàn.
Người dân chủ động gia cố nhà cửa
Từ tối 9-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chỉ đạo các quận, huyện cho phép người dân, đơn vị được tiến hành xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình dân sinh, nhất là những hộ dân có nhà cửa xuống cấp. Qua ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng ngày 10-9, tại Đà Nẵng bắt đầu phủ mây, mưa vừa do ảnh hưởng bởi bão Côn Sơn. Ven biển các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu người dân đã được tạo điều kiện để đưa tàu thuyền, ngư cụ vào bờ tránh, trú bão. Từ đầu giờ sáng, lực lượng Công an, dân phòng tại P. Thọ Quang (Q. Sơn Trà) khẩn trương giúp đỡ người dân đưa ngư cụ, thuyền thúng vào sát mép bờ. Ông Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, trú Q. Sơn Trà) cho biết: “Trước thông tin bão số 5 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã thông báo và tạo điều kiện cho người dân đưa tàu thuyền, ngư cụ vào bờ an toàn. Sáng nay, người dân chúng tôi rất vui và hoan nghênh sự chung tay, hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ Công an và lực lượng dân quân”.
Hầu hết khách sạn, hàng quán trên tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, nhiều nhân viên đang làm việc “3 tại chỗ” đã chủ động dùng bao tải đất, dây chằng chống các cửa ra vào. Nhiều hàng quán có biển hiệu cũng đã được tháo dỡ. Tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, nhiều ngư dân cũng triển khai di chuyển tàu cá vào khu vực tránh, trú bão an toàn. Tuyến biển từ quận Thanh Khê đến quận Liên Chiểu, hầu hết thuyền thúng, ghe nhỏ đã được người dân kéo lên bờ, sau đó tập kết vào dọc vỉa hè trên đường Nguyễn Tất Thành, trong khi đó các hộ dân có nhà ven biển cũng chủ động gia cố mái nhà, cửa...
Lực lượng Công an, dân phòng giúp người dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão.
Đà Nẵng sẽ sơ tán 58.683 người
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, bão Côn Sơn là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền Đà Nẵng vào rạng sáng 12-9. Để chủ động phòng, chống bão, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thông báo cho nhân dân biết để chủ động ứng phó chằng chống, gia cố nhà cửa; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai đồng thời tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét,...
Lực lượng chức năng thực hiện kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hướng dẫn sắp xếp neo đậu trú tránh bão an toàn đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19. Dự kiến, TP Đà Nẵng sẽ sơ tán 58.683 người nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão. Trong ngày 10-9, lực lượng chức năng đã tổ chức cắt tỉa được 17.397/49.970 cây xanh. Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã lập phương án về việc chuyển một máy bơm chống ngập từ Trạm bơm khu vực Đảo Xanh về Trạm bơm Thuận Phước; lập phương án và tiến hành khơi thông, nạo vét toàn bộ cửa thu nước dọc các tuyến đường.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng chiều 10-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu: “Các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án bão đi thẳng vào Đà Nẵng để chủ động trước các tình huống xấu nhất. Lần này, bão khác với lần trước vì chưa có tiền lệ. Chúng ta vừa chống bão lại phải vừa chống dịch. Dù các địa phương cũng như TP đã có kinh nghiệm chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan bởi bài toán lần này khó hơn nhiều. Các đơn vị, địa phương phải rất chủ động, phải đặt tâm thế trong điều kiện vừa chống bão, vừa chống dịch”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, nhất là những địa phương nguy cơ cao như Sơn Trà, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn phải tập trung xây dựng phương án phòng, chống ngập úng. “Việc ngập úng sâu chắc chắn xảy ra nếu bão đổ bộ. Cùng với đó, sạt lở đất tại Hòa Vang cũng dự báo sẽ xảy ra nên các đơn vị, địa phương phải có phương án cụ thể, chi tiết; phải có máy phát điện dự phòng tại các trạm bơm để ứng cứu kịp thời. Công tác phòng chống bão ở các công trình dự án trọng điểm, các điểm xung yếu phải được xây dựng phương án chi tiết, rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo đồng thời yêu cầu mở ngay Âu thuyền Thọ Quang để ngư dân đưa tàu thuyền vào. Tất cả những người vào tránh, trú bão phải được xét nghiệm và có phương án đưa thuyền viên từ tàu lên bờ để cách ly tập trung khi bão đổ bộ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, trong quá trình phòng, chống bão, việc đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân là trên hết. Ông đề nghị từng xã, phường thành lập đội xung kích địa phương kịp thời hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh, có phương án cấp giấy đi đường cho các đơn vị tham gia vào công tác phòng, chống bão; xây dựng kế hoạch chi tiết về phương án di dời dân; bố trí nhiều địa điểm để người dân đến trú ẩn. Ông lưu ý, khi di dời dân phải bố trí như việc giãn dân ở vùng đỏ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tích trữ lương thực thực phẩm, kịp thời cung ứng cho người dân trong quá trình chống bão.
Ngọc Quốc – Thành Danh