Chuyên án 456T và 300 ngày triệt phá "Liên minh ma quỷ" (2)

Thứ hai, 17/08/2009 00:00

* Kỳ cuối: Những tên “Ninja” và “liên minh ma quỷ”

(Cadn.com.vn) - Sau khi nhóm do Kiều Thế Quân cầm đầu sa lưới, tình hình trộm cắp tài sản trên địa bàn TP Đà Nẵng tạm lắng một thời gian, sau đó lại rộ lên, nhất là vào thời gian trước và sau Tết năm 2008. Vì vậy, việc phá đường dây trộm cắp thứ 2 càng trở nên cấp bách hơn đối với các thành viên Ban chuyên án (BCA) 456T.

Những ngày cuối năm 2008, một số đối tượng nghi vấn được BCA khoanh vùng lại tham gia vào một vụ cố ý gây thương tích ở ngã tư Hùng Vương - Ngô Gia Tự. Phần lớn các đối tượng tham gia vụ đâm chém trong đêm ấy đều là thành phần bất hảo, nghiện ma túy, vì vậy lực lượng CA đã chuyển các đối tượng đến Trung tâm 05-06 TPĐN, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để làm rõ các đối tượng cầm đầu.

 


Nguyễn Ngọc Hưng

Lê Quốc Huy

Nguyễn Phi Long

Nguyễn Võ Mẫn

Nguyễn Chánh Trung

Nguyễn Hường Hữu Quyết

Lê Thăng Long

Thái Công Quyền

Đỗ Minh Tiến

Nguyễn Ngọc Lâm

 

Qua điều tra, lực lượng CA đã xác định 2 kẻ cầm đầu nhóm chuyên cắt cửa, phá két sắt trộm cắp tài sản của các Cty, doanh nghiệp và nhà dân là Đỗ Minh Tiến (1984, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu) và Nguyễn Ngọc Lâm (1985, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, TPĐN).

Đỗ Minh Tiến là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, tuy tuổi còn trẻ nhưng đã có thâm niên nhập nha cả chục năm cùng với 2 tiền án, 2 tiền sự về tội trộm cắp.

Riêng Lâm, tuy mới “hành nghề”, song hành vi trộm cắp hết sức manh động. Mỗi khi phá cửa đột nhập để trộm cắp tài sản, các đối tượng thường dùng khẩu trang bịt mặt, đồng thời mang theo dao, mã tấu, côn... để nếu chủ nhà phát hiện thì chống trả thoát thân, hoặc khống chế để thực hiện hành vi phạm tội.

Điển hình như vào tháng 8-2008, Lâm, Tiến và đồng bọn phá cửa đột nhập một Cty trên đường Phạm Văn Đồng. Mặc dù camera của Cty quay được cảnh các đối tượng đột nhập trộm cắp, nhưng do chúng bịt mặt nên công tác điều tra, truy tìm thủ phạm mất khá nhiều thời gian...

Qua phân tích hình ảnh, dấu vết vân tay để lại hiện trường và qua những chứng cứ khác, lực lượng CA đã buộc Lâm, Tiến phải tâm phục, khẩu phục ký vào biên bản phạm tội.

Chúng khai nhận, trong khoảng từ tháng 4 đến 12-2008, Lâm - Tiến cùng đồng bọn là Thái Công Quyền (1987), Trần Quốc Vũ (1986, cùng trú P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê, TPĐN) thực hiện khoảng 30 vụ phá cửa, đột nhập trộm cắp tài sản.

Có nhiều vụ bọn chúng thực hiện rất táo bạo, như vụ trộm cắp tài sản trên đường Yên Bái. Canh me sẵn, khi gia đình người bị hại vừa ra khỏi nhà, bọn chúng liền phá cửa, đột nhập lấy trộm máy tính xách tay, ĐTDĐ, 2 cây vàng và rất nhiều tiền (chúng chia tiền vội vàng ngay sau đó nên không nhớ cụ thể là bao nhiêu).

Vụ trộm trên đường Nguyễn Tất Thành, sau khi thực hiện hành vi phá cửa đột nhập trộm cắp, đem tài sản ra ngoài, chúng gọi taxi đến chở đi tiêu thụ...

Tiến và Lâm khai nhận thành khẩn, nhưng tất cả các vụ bọn chúng khai đều chưa phải là những vụ cộm cán, tâm điểm mà lực lượng CA đang cất công điều tra.

Vậy, những vụ trộm cộm cán với hàng chục dàn máy vi tính, tiền bạc, nữ trang, ngân phiếu giá trị rất lớn do nhóm nào thực hiện? Điều đó vẫn còn là ẩn số và các thành viên trong BCA lại phải ngày đêm kiên trì điều tra.

Qua đấu tranh với Lâm - Tiến và quá trình điều tra, truy bắt Thái Công Quyền và Trần Quốc Vũ, các TS trong BCA phát hiện ra điều bất ngờ: Thái Công Quyền không chỉ là đàn em, tay chân làm ăn với Tiến - Lâm mà hắn còn âm thầm lập một nhóm riêng chuyên thực hiện hành vi trộm cắp.

Quyền chịu khó theo Lâm - Tiến chủ yếu là để học hỏi kinh nghiệm phá cửa, bẻ khóa và tìm hiểu, nắm bắt về các đường dây tiêu thụ tài sản.

Đến thời điểm bị bắt, Quyền đã cùng các “đệ tự” trong nhóm riêng của mình, gồm Lê Thăng Long (1986, trú đường Bùi Kỷ), Lê Văn Quốc Tuấn (1989, trú P. Vĩnh Trung), Nguyễn Ngọc Hưng (1988, trú P. Tân Chính) và Trương Quốc Điền (1986, trú P. Vĩnh Trung) thực hiện hơn 40 vụ trộm.

Bên cạnh việc điều tra, làm rõ nhóm trộm cắp do Quyền cầm đầu, lực lượng BCA tiếp tục phá thêm 3 nhóm trộm chuyên nghiệp, làm rõ hàng chục vụ trộm cắp khác xảy ra cả ở địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam và TT-Huế, nhưng các vụ cộm cán thì vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Đầu năm 2009, 5 nhóm trộm cắp chuyên nghiệp đã sa lưới, nhưng những vụ cắt cửa, bẻ khóa trộm cắp tài sản vẫn không chấm dứt. Điều đó khiến các TS trong BCA liên tưởng đến mối liên hệ mật thiết giữa các đối tượng đã bị bắt và những đối tượng còn tiếp tục gây án bên ngoài.

Cụ thể như ngày 15-1, Cty Phong Cách Việt, trên đường Nguyễn Tri Phương bị kẻ trộm dùng xà beng phá cửa lấy trộm 1 máy tính xách tay, 2 màn hình LCD và 2 CPU, trị giá khoảng hơn 40 triệu đồng.

Tiếp tục điều tra, củng cố các chứng cứ, phân tích lời khai của các đối tượng đã bị bắt, lực lượng BCA đã phát hiện thêm một nhóm trộm cắp chuyên nghiệp nữa do Nguyễn Võ Mẫn (1982, trú P. Thanh Bình, Q. Hải Châu) cầm đầu.

Mẫn cũng “trưởng thành” từ nhóm của Quyền, sau đó thành lập một nhóm riêng, quy tụ dưới trướng thêm Lê Quốc Huy (1983, trú P. Thạch Thang, Q. Hải Châu), Lâm Quang Thi (1982, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê), Phan Thanh Tùng (1978, trú P. Thanh Bình) và Nguyễn Chánh Trung (1982, trú P. Vĩnh Trung) tiếp tục hoành hành.

Mẫn luôn tính toán, nghiên cứu địa hình, giờ giấc cụ thể rồi mới tổ chức cảnh giới, phân công trách nhiệm cho từng người thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì vậy sự cẩn thận, “làm ăn lớn” nên Mẫn thu nạp được nhiều đối tượng cộm cán, kể cả những đệ tử ruột của Tiến - Lâm như Lê Văn Quốc Tuấn, Trương Quốc Điền.

Chưa hết, trong nhóm trộm cắp của Mẫn còn có Nguyễn Chánh Trung - đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp có hạng tại TPĐN. Trung tham gia nhóm của Mẫn không chỉ với vai trò tiêu thụ mà còn trực tiếp thực hiện nhiều vụ trộm.

Chính nhờ vậy, Mẫn đã tạo dựng một “liên minh ma quỷ”, tập hợp được những kẻ trộm cắp liều lĩnh có nhiều kinh nghiệm và thao túng đường dây tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thuộc dạng chuyên nghiệp trên địa bàn.

Các vụ trộm cắp do nhóm của Mẫn thực hiện hầu hết đềìu có giá trị tài sản lớn, điển hình như ngày 6-8-2008, Mẫn và đồng bọn đột nhập một Cty trên đường Trưng Nữ Vương, lấy 2 máy tính xách tay, 2 ĐTDĐ, 1 màn hình vi tính... tổng giá trị gần 35 triệu đồng. Sau khi lấy trộm, chúng bán ngay cho Trung để lấy tiền chia nhau.

Riêng Trung, không chỉ thu mua hàng của nhóm Mẫn mà còn tiêu thụ cho nhiều nhóm trộm cắp khác, sau đó liên lạc, đưa vào TPHCM, Vũng Tàu tiêu thụ (tại Vũng Tàu, Trung thiết lập được một đầu mối tiêu thụ tài sản do Nguyễn Hường Hữu Quyết - anh vợ của Trung nắm giữ)...

Như vậy, kể từ khi Chuyên án 456T được xác lập giữa năm 2008, đến ngày 19-5-2009, trong suốt 300 ngày kiên trì theo dõi, đấu tranh, lực lượng CAQ Hải Châu đã làm rõ 5 nhóm tội phạm, gồm 30 đối tượng đã thực hiện gần 300 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn. CQĐT đã khởi tố, tạm giam 15 bị can, khởi tố cho tại ngoại 2 bị can; đồng thời khởi tố, truy nã Trần Quốc Vũ và Nguyễn Thanh Hải Bằng.

Chuyên án 456T đã khép lại, chính quyền và nhân dân TPĐN ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực mà CAQ Hải Châu đã vượt qua trong suốt 300 ngày đấu tranh với bọn tội phạm trộm cắp chuyên nghiệp.

T.H