Chuyện chưa kể về hành trình khám phá hang động Sơn Đoòng
(Cadn.com.vn) - Thông tin những ngày gần đây, khi tạp chí National Geographic (Mỹ) giới thiệu hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng (xã Sơn Trạch, H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trên trang mạng của mình rằng: Hang Sơn Đoòng được phát hiện năm 2009 bởi Hiệp hội Hang động (HHHĐ) Hoàng gia Anh ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng một điều mà ít người nghĩ đến là hang động này đã được một thợ rừng ở thôn Phong Nha phát hiện 19 năm về trước.
Người mà tôi nói đến là Hồ Khanh (42 tuổi, trú thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Nhiều người gọi anh bằng cái tên đầy kiêu hãnh: “Vua hang động của Việt Nam”, bởi anh là người đã khám phá ra hơn 12 hang động lớn nhỏ trong hệ thống núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng mà không cần đến sự trợ giúp của một công cụ khoa học hiện đại nào và trở thành người dẫn đường cho HHHĐ Hoàng gia Anh trong những chuyến thám hiểm tìm hang động trong hệ thống núi đá vôi ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Từ Trung tâm TP Đồng Hới, theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vượt hơn 35km đến Sơn Trạch rồi theo đường 20 Quyết Thắng ngược lên Phong Nha. Ngôi nhà nhỏ của Hồ Khanh nằm bên đường 20 Quyết Thắng, đây cũng là một quán cà-phê để những người trong làng tụ họp, chuyện trò, kể về những chuyến đi rừng, những phát hiện mới về một cái hang động nào đó ở Phong Nha. Nếu không hỏi kỹ, chắc ít ai biết Hồ Khanh đã từng là một thợ rừng cừ khôi của làng Phong Nha, đến nay đã “giải nghệ” về làm ông chủ một quán cà-phê cóc.
![]() |
Vẻ đẹp kỳ bí bên trong hang Sơn Đoòng (Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp). |
Chuyện trò một lúc Hồ Khanh mới “nhập tâm” vào câu chuyện, anh kể: Thuở nhỏ, anh thường được theo những người trong làng đi ăn trầm nên rừng núi trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã quá quen thuộc. Những lần đi như thế anh đều được hướng dẫn cách nhận biết dòng nước chảy, hướng núi,... để khỏi lạc đường.
Nhiều năm theo nghề, Hồ Khanh trở thành một trong những thợ rừng cừ khôi của làng. Và trong mỗi chuyến đi như thế, việc tìm thấy các hang động là chuyện bình thường, bởi những cơn mưa rừng thường kéo dài vài ngày, thậm chí cả tuần nên cần những cái hang để trú ẩn. Tuy nhiên, trong số đó, anh chỉ ấn tượng với một cái hang được phát hiện vào năm 1991. Hang này có độ cao vun vút, nằm nấp sau những rặng cây cao và gió trong hang lúc nào cũng rít ra nghe lạnh cả người. Nhưng việc phát hiện này chẳng có ý nghĩa gì, bởi mục đích chính của người thợ là trầm và gỗ.
![]() |
Hồ Khanh (đứng) trong một lần thám hiểm hang Sơn Đoòng. |
Khoảng năm 1992, anh bỏ nghề và trở về quê làm ăn, lấy ruộng vườn làm căn bản. Nhưng một sự kiện biến Hồ Khanh thành người nổi tiếng, đó là vào khoảng giữa năm 2005, không biết từ nguồn tin nào mà vợ chồng Howard Limbert (Đoàn thám hiểm thuộc HHHĐ Hoàng gia Anh) đến mời Khanh làm người dẫn đường đi tìm những hang động mới trong hệ thống núi đá vôi và ở vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ngỡ ngàng trước lời mời đó, nhưng với bản năng của một người thợ rừng, anh nhận lời làm người dẫn đường cho đoàn thám hiểm. Sau vài chuyến thám hiểm, kết quả không được như mong muốn, nhưng khi được anh kể về một cái hang đặc biệt ở khu vực hạ Đoòng mà anh đã từng trú ẩn khoảng năm 1991 thì mới thu hút được sự tò mò của ông Limbert. Cả đoàn quyết tâm đi tìm lại cái hang đặc biệt này. Nhưng hơn 2 năm trời ròng rã, miệng hang vẫn nằm im lìm dưới những dãy núi đá vôi hùng vĩ.
![]() |
Hồ Khanh - người phát hiện ra hang động Sơn Đoòng. |
Sau mấy ngày trời băng rừng ròng rã, anh phát hiện ra một miệng hang động khổng lồ ở vùng núi đá vôi Hạ Đoòng. Đến lúc này, những ký ức về một cái hang anh đã từng lưu trú cách đây hơn 17 năm lại dồn về. Đem so sánh với những gì đã được các nhà thám hiểm nhận định, anh khẳng định rằng đây là cái hang cần tìm. Hồ Khanh mừng rỡ bởi phát hiện vĩ đại của mình và sau khi về nhà, anh liên lạc ngay với vợ chồng Howard Limbert. Đến tháng 3-2009, đoàn trở lại Việt
Sau khi quay trở lại, vợ chồng Howard Limbert chọn anh làm nhóm trưởng dẫn cả đoàn thám hiểm quay trở lại hang. Chuyến khảo sát lần này dài hơn thường lệ, gần nửa tháng ăn dầm nằm dề trong hang, đoàn đã khám phá nhiều bí ẩn bên trong. Ngay cả những người có kinh nghiệm chinh phục nhiều hang động trên thế giới như vợ chồng Howard Limbert cũng phải thán phục trước những tuyệt tác của thiên nhiên nơi đây.
Hồ Khanh kể: “Càng đi sâu vào bên trong thì hang càng rộng, có những khoảng đất rộng bằng cả cái sân bóng đá, lại có cả sông ngầm nước mát lạnh, trong vắt. Có đoạn qua ghềnh, nước đổ như thác nhỏ. Hang có nhiều rặng thạch nhũ hùng vĩ, đẹp như chốn Bồng Lai. Đoàn thám hiểm gọi loại nhũ trong hang là nhũ già, bởi theo các dấu vết địa chất thì loại thạch nhũ này đã hình thành qua hàng triệu năm”.
![]() |
Sơ đồ hang Sơn Đoòng đoạn đã được khám phá (Theo National Geographic). |
Khi đoàn tiến sâu vào trong hang khoảng 3km thì gặp một cửa vòm cao hun hút nhìn thấy trời. Bên dưới là một cánh rừng nguyên sinh rộng khoảng 1,5 mẫu Trung bộ (khoảng 1ha), có nhiều loài sinh vật, thực vật, nhưng trong đó nhiều nhất là các cây gỗ quý như sò, vỏ dẻ… Đoàn tiếp tục cuộc hành trình thêm khoảng 4,5km nữa thì gặp một bức nhũ lớn nên quay trở lại cửa hang sau khi đã quay phim, chụp hình, vẽ khảo sát và dùng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí của hang động này trên bản đồ thế giới. Sau khi đo, khảo sát, đoàn xác định hang này có chiều dài khoảng 7,3km, có 2 miệng khô và là hang lớn nhất thế giới hiện nay.
Việc đặt tên cho hang động này cũng gây nhiều tranh cãi. “Đầu tiên, những người trong đoàn cho rằng, nên lấy tên là Hạ Đoòng, nhưng tên này nghe xấu quá” - Hồ Khanh kể. Bàn đi bàn lại không xong, cuối cùng việc đặt tên được giao cho Hồ Khanh bởi anh là người phát hiện đầu tiên. Sau một hồi suy nghĩ, anh đưa ra ý kiến “hay là đặt tên hang Sơn Đoòng. Bởi chữ Sơn là Sơn Trạch, còn Đoòng là chỉ vùng đất mà những người ở Phong Nha hay gọi”. Ý kiến của Hồ Khanh được cả đoàn thám hiểm vỗ tay đồng ý, và cái tên hang Sơn Đoòng, hang lớn nhất thế giới đã ra đời như thế.
Chia tay chúng tôi, Hồ Khanh cho biết, theo dự kiến, tháng 3-2011, đoàn thám hiểm của vợ chồng Howard Limbert sẽ quay trở lại Việt Nam và tiếp tục khám phá hang Sơn Đoòng và các hang khác. Còn Hồ Khanh cứ mỗi mùa khô đến lại khăn gói lên đường khám phá những hang động mới trong hệ thống núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng để thỏa lòng đam mê.
Đức Quý