Chuyện của hai đơn vị anh hùng
(Cadn.com.vn) - Sau thất bại của cuộc chiến tranh “đặc biệt”, tổng thống Mỹ Johnson chuyển sang “cuộc chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc, ào ạt đưa 55 vạn quân vào miền Nam, cộng với quân ngụy lên đến 1 triệu 20 vạn tên. Năm 1962 trước thực lực phong trào cách mạng và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, BCH T.Ư Đảng chỉ đạo Thường vụ Khu ủy 5 cho tiến hành tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng ra thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Ban An ninh tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũng được tách ra thành 2 đơn vị: Ban An ninh tỉnh Quảng Nam và Ban An ninh tỉnh Quảng Đà. Mỗi Ban An ninh đều xác định rõ nhiệm vụ chính trị, ổn định tư tưởng, củng cố ngay về mặt tổ chức, tuyển chọn cán bộ theo nhiều nguồn nhằm bổ sung cho lực lượng. Trên cơ sở cơ cấu về tổ chức bộ máy, Khu 5 cho tiến hành thành lập các đơn vị trực thuộc và Ban An ninh cấp quận, huyện, thành phố, thị xã. Trong đó có lực lượng Cảnh vệ của 2 tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh vệ lúc bấy giờ là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương đồng thời đón, đưa lãnh đạo TƯ, Khu ủy 5, các đoàn khách quốc tế đến làm việc và đi công tác. Mặt khác, lực lượng này còn có trách nhiệm khảo sát địa bàn, chọn địa điểm, xây dựng trụ sở, lán trại, hầm hào, địa đạo… phục vụ cho công tác và chiến đấu, sản xuất, vận chuyển lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống có dự trữ khi cần thiết.
Cảnh vệ Đặc khu Quảng Đà bảo vệ các đồng chí Khu ủy Khu V trong một chuyến đi công tác cơ sở (ảnh tư liệu). |
Năm 1965, lực lượng Cảnh vệ 2 tỉnh đều được tăng cường. Đối với Quảng Nam được bố trí gần 50 người do đồng chí Nguyễn Đăng Như làm Đại đội trưởng, Nguyễn Hồ làm chính trị viên. Đối với Quảng Đà được tăng cường quân số lên khoảng 20 người do Trần Văn Tư (Sang) làm Đại đội trưởng, 2 đại đội phó và 1 chính trị viên. Biên chế đại đội của 2 tỉnh dao động từ 50 đến 70 người cộng với lực lượng cảnh vệ ở Ban An ninh quận, huyện, thành phố, thị xã có lúc lên đến trên 100 người. Trong suốt 13 năm chống Mỹ, các đơn vị chú trọng tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt, kết nạp trên 80 đồng chí vào Đảng, đào tạo bồi dưỡng bổ nhiệm gần 70 cán bộ đại đội, trung đội và tiểu đội, đồng thời điều chuyển bổ sung cho các lực lượng nòng cốt khác của Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà và Ban An ninh tỉnh Quảng Nam. Tính từ ngày thành lập đến 30-4-1975, CBCS lực lượng Cảnh vệ không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức Cách mạng, bản lĩnh chính trị, quan điểm lập trường của người cộng sản, người an ninh giải phóng, người CAND; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm không ngại gian khổ hy sinh, dám xả thân mình cho Tổ quốc, bảo vệ cơ quan, đón, đưa tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp trên và các đoàn khách quốc tế. Cụ thể, đã xây dựng 205 cơ sở đáng tin cậy bố trí các Đặc khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam và Đặc khu ủy Quảng Đà lưu trú chỉ đạo phong trào; xây dựng 155 chỗ đứng để lãnh đạo chỉ đạo chiến dịch, xây dựng trên 265 lượt căn nhà, lán trại, hội trường, 370 hầm bí mật, 210 căn hầm tránh pháo, đào gần 1.000m địa đạo, giao thông hào, phục vụ kịp thời khi có nhu cầu của cấp trên và thường vụ cấp ủy; tổ chức đón, đưa nhiều đoàn cán bộ TƯ, Khu ủy 5 như: đoàn đồng chí Năm Công (Võ Chí Công), Tư Thuận, Bảy Râu, Bảy Hữu,... và các đoàn khách quốc tế như Đoàn của Úc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc vào TƯ Cục hoặc địa phương công tác….
Khi nhắc đến dốc Dựng, dốc Bà Son, nỗng Bà Tình, Xuyên Trường, Trà Kiệu, Gò Nổi... thuộc Đặc khu Quảng Đà; Đồi Tranh, Phước Hà, Dương Yên, Đồi Chén, Trù Vu, Vườn Lài, Dương Chèo Bẻo... thuộc tỉnh Quảng Nam... lịch sử luôn nhắc đến những chiến công chói lọi, những trận đánh ngoan cường ghi đậm những dấu son lịch sử của lực lượng Cảnh vệ 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, nhắc đến trên 30 CBCS Cảnh vệ chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nổi bật nhất là các đồng chí Thái Ngọc Oanh, Nguyễn Văn Đức-Cảnh vệ Đặc khu Quảng Đà; Nguyễn Hạnh, Nguyễn Thanh Việt và Nguyễn Mau, Cảnh vệ tỉnh Quảng Nam chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não và các đồng chí lãnh đạo.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm nguyên Thứ trưởng Bộ Công an |
So sánh tương quan lực lượng có lợi cho ta, thời cơ đã đến, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Ngày 9-3-1975 Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh tổng tiến công. Lực lượng an ninh Quảng Đà và Quảng Nam, trong đó có lực lượng Cảnh vệ cùng các lực lượng khác nêu cao tinh thần trách nhiệm, lập nhiều phương án, kế hoạch cụ thể nhằm đưa, đón các đồng T.Ư, Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam và Đặc khu ủy Quảng Đà luồn sâu vào lòng địch, đóng chốt ở nội thành, chỉ đạo sát phong trào, kiểm tra từng chi tiết không để xảy ra sơ suất. Lực lượng Cảnh vệ tham gia cùng với các lực lượng đánh chiếm quận lỵ Đức Dục, căn cứ vòng ngoài của thị xã Hội An. Đến 15 giờ ngày 17-3-1975 các mũi đồng loạt đánh chiếm Quận lỵ Tiên Phước, Quế Sơn, căn cứ Chu Lai, Điện Bàn, Duy Xuyên và thị xã Hội An… Đến 24-3-1975 ta giải phóng hoàn toàn Tam Kỳ, lực lượng Cảnh vệ cùng các lực lượng triển khai chiếm chốt các mục tiêu trọng điểm Tòa thị chính, Chi cảnh sát, Đài phát thanh, Nhà máy đèn… đồng thời nắm chặt địa bàn, nhanh chóng xây dựng cơ sở, bố trí nơi ăn ở, làm việc cho các đồng chí lãnh đạo. Căn cứ tình hình thực tiễn lúc bây giờ, hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền hoang mang tột đỉnh, tháo chạy tán loạn, khí thế tiến công và nổi dậy giành chính quyền của quân và dân ta, lực lượng an ninh Quảng Đà được phân công cùng các lực lượng đánh vào Đà Nẵng. Các lực lượng còn lại phối hợp với Ban an ninh các Quận, huyện cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đánh chiếm các quận lỵ Hiếu Đức, Hòa Vang và các điểm bảo vệ vòng ngoài của Đà Nẵng. Đến 13 giờ ngày 29-3-1975 các mũi đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng, đến 15 giờ cùng ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Lực lượng an ninh cùng lực lượng Cảnh vệ nhanh chóng chiếm giữ Bộ chỉ huy cảnh sát vùng I, Tòa thị chính, Lãnh sự quán Mỹ, Ty cảnh sát Gia Long, trụ sở Quốc dân Đảng Trại giam Chợ Cồn, Nhà máy nước, Nhà máy điện, Đài phát thanh và các mục tiêu trọng điểm khác. Ngoài nhiệm vụ phối hợp chiếm giữ các mục tiêu trên, lực lượng Cảnh vệ còn phải tiến hành khảo sát địa bàn, xây dựng cơ sở, chọn những gia đình đáng tin cậy, đón , đưa các Bộ chỉ huy chiến dịch, Khu ủy 5, Đặc khu ủy Quảng Đà nhanh chóng vào Đà Nẵng, ổn định chỗ ăn, ở, làm việc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng tiến hành hoàn tất công tác binh địch vận, tuyên truyền chính sách khoan hồng của Chính phủ và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thúc đẩy số sĩ quan ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, buộc các Đảng phái phản động ra tuyên bố giải tán, kêu gọi giao nộp vũ khí, khí tài tài liệu và trình diện với chính quyền cách mạng. Chỉ trong vòng thời gian ngắn, sau giải phóng Tam Kỳ và Đà Nẵng mọi hoạt động trở lại bình thường.
Để ghi nhận những chiến tích đầy oanh liệt, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo của lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Đặc khu ủy Quảng Đà và tỉnh ủy Quảng Nam được Nhà nước tặng thưởng: 7 Huân chương Giải phóng, 3 Huân chương Chiến công, 74 lượt CBCS được bầu “Chiến sĩ thi đua và cá nhân xuất sắc”, 9 đồng chí được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú, 1 đồng chí được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 100% đồng chí được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Huân chương Quyết thắng và nhiều Huân, huy chương, bằng khen, giấy khen khác, 75 đồng chí được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn phòng cấp ủy. Đặc biệt năm 1976, Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho lực lượng Cảnh vệ 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà và ngày 19-8-1980, đồng chí Trần Văn Tư (Sang) Đại đội trưởng Cảnh vệ Đặc khu Quảng Đà được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sau ngày đất nước thống nhất, CBCS Cảnh vệ chuyển sang nhận nhiệm vụ mới, có đồng chí tiếp tục làm nhiệm vụ Cảnh vệ, có đồng chí chuyển sang lực lượng An Ninh, cảnh sát, xây dựng lực lượng và hậu cần, nhiều đồng chí chuyển ngành hoặc trở về địa phương làm cán bộ cốt cán xây dựng phong trào cách mạng ở vùng mới giải phóng. Với bản chất tốt đẹp của người cộng sản, người an ninh giải phóng, người CAND được tôi luyện trong thử thách, được tin tưởng giao cho trọng trách bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, dẫu ở cương vị nào, những người lính Cảnh vệ năm nào không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần tích cực xây dựng chính quyền cơ sở, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc, làm gương cho quần chúng, giáo dục con cháu phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
Đẹp lắm, tuyệt vời lắm người An ninh Giải phóng, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang 70 năm Công an nhân dân Việt Nam anh hùng .
Đại tá Trần Văn Tám
Nguyên cán bộ Cảnh vệ Đặc khu Quảng Đà