Chuyện của một công dân kiểu mẫu
(Cadn.com.vn) - Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm gia đình ông Trà Thanh Lợi (77 tuổi) ở Tổ 30, P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng) là các bức tường treo 22 huân, huy chương; 8 kỷ niệm chương các loại; 3 huy hiệu và rất nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Càng ấn tượng hơn bởi những câu chuyện về người "Công dân kiểu mẫu" này.
"Nỗi oan Thị Kính"
Nhiều bậc cao niên ở P. An Hải Đông kể rằng, trước đây, trong phường có một "ông già" hay hát ru con với giọng não nề, trầm buồn. Tiếng "ầu ơ, ví dầu" đều đặn hằng đêm bên bờ đông Hàn giang nghe da diết trong đêm khuya... khiến nhiều người cảm thương, nhưng cũng làm không ít người hoài nghi về chủ nhân của nó- chính là ông Trà Thanh Lợi. Tại khoa Nhi của Trung tâm y tế Q. Sơn Trà, nơi ông thường ẵm đứa bé vào nằm viện mỗi khi nó ốm, ông gặp những ánh mắt dò xét, những ánh mắt cứ như nói thành lời: ông lão "tòm tem" với ai đó nên họ trả con cho ông nuôi?
Tuy nhiên, khi biết chuyện ông là một vị đại tá, năm 1975 từng dẫn đầu đoàn quân Giải phóng về giải phóng Sơn Trà và nhất là câu chuyện làm sao ông "có con" mọi người đã chuyển từ nghi vấn sang cảm phục: một buổi sáng mưa phùn gió bấc năm 1997, một phụ nữ trẻ, trên tay bồng đứa bé chừng bốn tháng tuổi ướt nhèm ghé nhà ông xin trú mưa. Rồi thấy vợ chồng ông phúc hậu, người phụ nữ gửi lại đứa trẻ nhờ hai vợ chồng ông trông giúp ít ngày, sau khi thu xếp công việc, ổn định chỗ ở sẽ đến đón con...
Nhưng cũng từ đó, người mẹ trẻ ấy ra đi đến nay vẫn chưa quay trở lại... Đứa trẻ lớn lên trong vòng tay nhân ái của gia đình ông và được đặt tên là Trà Thị Thanh Lương, còn gọi là Út cưng. Một năm sau, vợ ông qua đời trong một cơn bạo bệnh, người lính già lại lụi cụi một mình với cảnh "gà trống nuôi con", bối rối, ngỡ ngàng từ viên thuốc, bình sữa, miếng ăn, giấc ngủ đến giặt giũ quần áo, tã lót...
Bàn tay suốt đời cầm súng nay run rẩy vá áo, đơm khuy, khuấy sữa... Rồi có một cặp vợ chồng hiếm muộn đã đến gặp ông đặt vấn đề nhận nuôi đứa bé và thù lao công sức với số tiền khá lớn, nhưng ông lắc đầu: "Tôi nhận lời giữ cháu thì giữ cho trọn vẹn. Nếu sau này, mẹ Thanh Lương muốn về đón con, tôi sẵn sàng hy sinh trao lại cháu cho mẹ nó, bởi trên đời này không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử...
![]() |
Ông Lợi kể chuyện về "nỗi oan Thị Kính" |
Người bố tinh thần của các sĩ tử
Đứa bé ngày nào giờ đang vào lớp 11 Trường Herman. Ngoài giờ học, Lương còn giúp bố Lợi việc nhà, trong ấm áp trìu mến. Thanh Lương bộc bạch, khi lớn lên, được nghe mọi người kể câu chuyện đời mình, em càng yêu và kính trọng bố Lợi hơn. Về người mẹ đã "mang nặng đẻ đau", em không trách cứ, bởi tuy không trực tiếp nuôi dưỡng nhưng mẹ đã gửi em vào "đúng chỗ".
Vậy nên em mới có được tình yêu gia đình trọn vẹn. Hằng năm, vào mùa thi cử, khi thấy bố mở rộng cửa đón các "sĩ tử" ở khắp mọi miền quê về Đà Nẵng thi đại học, cao đẳng về nhà cho ở miễn phí, Lương không những thấy phiền lòng mà còn động viên, hưởng ứng, lăng xăng giúp bố nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, vui vẻ tạo điều kiện cho các anh chị tâm lý thoải mái nhất để thi cử tốt. Nhiều sĩ tử trúng tuyển vào các trường, công thành danh toại vẫn thường xuyên ghé thăm "bố" Lợi, nhận ông là người bố tinh thần, coi bé Lương như ruột thịt.
Người công dân kiểu mẫu
Là cựu chiến binh, thương binh 3/4, dù bận rộn với nhiều việc thiện không tên, nhưng ông Lợi vẫn hoàn thành tốt công việc xã hội như: Trưởng ban Bảo vệ Dân phố khối An Trung Đông 1 (23 năm), Bí thư Chi bộ (6 nhiệm kỳ), Trưởng ban trợ tang của 12 tổ dân phố, Chi Hội trưởng Người Cao tuổi, Chánh tộc biểu họ Trà toàn quốc (trên 10 năm)... Năm 2008, ông được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" do công sức giữ gìn, ổn định an ninh trật tự trong khu vực. Năm 2011, ông được UBND Q. Sơn Trà tặng danh hiệu "Người công dân kiểu mẫu". Các hộ trong khu phố luôn coi ông như người trong gia đình.
Ông cũng nhận nhiều lời thơ ca ngợi của bạn bè lẫn những người không quen ở phương xa: "Đại tá nuôi con bị bỏ rơi/Chuyện như cổ tích thuở hiện thời /Tuổi hơn bảy chục tâm bừng sáng/ Tuổi Đảng "năm lăm" tiếng rạng ngời...", mỗi khi đọc xong câu thơ của một người không quen ở một tỉnh phía Bắc gửi tặng, ông thường cười: "Chuyện nhỏ thôi mà nhiều người nâng lên to tát quá, làm sao thân già này gánh nổi...".
Tùng Sơn