Chuyện đời của Lương "Sài Gòn" (2)

Thứ bảy, 02/08/2014 09:24

Kỳ cuối: Đường hoàn lương

(Cadn.com.vn) - Sau khi Phạm Minh Lương bị nước bạn xử phạt tù, đại diện Bộ CA Việt Nam tại Lào đã có công văn đề nghị xác minh tiền án, tiền sự, nhân thân lai lịch của đối tượng Lê Thương. Qua tra cứu, CA tỉnh Quảng Nam đã xác định Lê Thương chính là Phạm Minh Lương, kẻ đang bị truy nã về hành vi “Cướp tài sản”. Lúc này, Lương đang thi hành án tại Trại giam Phôn Toong thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam Bộ An ninh Lào...

Về nước quy án

Nhận được thông tin trên, Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh căn cứ Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào ký để đưa Phạm Minh Lương về Việt Nam xét xử. Ngày 19-10-2008, CA tỉnh Quảng Nam cử một đoàn công tác phối hợp với Văn phòng Interpol - Cơ quan đại diện Bộ CA Việt Nam tại Lào và Cục Điều tra - Bộ An ninh Lào dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam.

Ngày 29-10-2008, CQĐT CA tỉnh Quảng Nam đã phục hồi điều tra vụ án hình sự và ra lệnh tạm giam Phạm Minh Lương thời hạn 3 tháng để điều tra làm rõ hành vi “Cướp tài sản” vào năm 1993. Với hành vi trên, sau đó Lương bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, đồng thời “chồng” thêm 10 tháng tù giam mà Lương còn nợ trong vụ án trộm cắp tài sản ở Lào, tổng hình phạt mà Lương phải chịu là 46 tháng tù giam. Nhờ có nhiều “tài” và cải tạo tốt nên Lương được giảm án 15 tháng. Năm 2010 ra tù, với những mối quan hệ trước đây và tư chất nhanh nhẹn, Lương sớm hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới.

Phạm Minh Lương lúc được đưa lên xe để về Việt Nam quy án.

Theo một nguồn tin cho biết, trước đây, Lương và H.T. (một “trùm” chuyên khai thác vàng) từng quen biết nhau trong những lần đi đào đãi vàng ở Phước Sơn, Trà My... Sau khi gây án, Lương qua Lào thì H.T. ở quê vẫn theo nghiệp tìm vàng. Trong thời gian đó, H.T. phất lên nhờ trúng đậm một số lượng lớn vàng ở Quảng Nam và trở thành đại gia. “Khi về Việt Nam thụ án, H.T. là người đầu tiên vào trại thăm tôi. Sau khi tôi mãn hạn tù, biết tôi đã cai được nghiện nên H.T. lại đề nghị tôi về làm quản lý cho anh ta tại một trong những khách sạn lớn ở Tam Kỳ, nhưng tôi không đồng ý. Tôi không thích làm thuê cho người khác. Thế rồi H.T. đưa cho tôi 100 triệu đồng để làm lộ phí làm lại cuộc đời” - Lương tự hào khoe về mối quan hệ giữa mình với H.T.

Hạnh phúc từ sự hoàn lương

Chỉ vào tấm hình đứa con hơn 1 tuổi trong chiếc ĐTDĐ, Lương tự hào: “Trời ban cho tôi nhiều cái nhưng cũng lấy của tôi cả quãng đời tuổi trẻ. Giờ đối với tôi, vợ con là trên hết. Những gì đang có trong tay là hạnh phúc rồi, không viển vông, ảo mộng như xưa nữa”. Đang trò chuyện thì vợ Lương - chị H. (người Đà Nẵng) đi chợ về và câu chuyện của chúng tôi có thêm chị kể. Biết quá khứ của Lương, chị H. không thấy mặc cảm, trái lại còn thương yêu rồi lấy Lương làm chồng vào năm 2011. Hằng ngày, chị H. lấy áo quần mẫu ở các Cty rồi đem bỏ cho các đại lý ở Tam Kỳ, Đà Nẵng. Còn Lương làm nghề mua bán cây cảnh, lâm sản.

Nụ cười hoàn lương của Phạm Minh Lương.

Nói về công việc hiện tại của mình, Lương tự hào lắm. Nhưng mỗi việc đều có rủi ro riêng của nó, mà nói như Lương: “Tôi chỉ thích làm những công việc có yếu tố rủi ro, mạo hiểm. Thế mới thích, mới hợp tính tôi”. Rồi Lương kể, trong một lần vận chuyển cây cảnh bán cho đối tác, Lương bị họ lừa lấy hơn 100 triệu đồng.

Sau vài giây trầm lặng, Lương lại vui cười vì nghĩ đến chuyện cây sưa đỏ. Là vầy, mới năm ngoái, có một đại gia đến thăm vườn cây của Lương, thấy trong vườn có cây sưa đỏ nhưng vị này cứ bảo đó là cây huỳnh đàn và trả giá 1,5 tỷ đồng. “Tôi bảo đó là sưa chứ không phải huỳnh đàn, nhưng khổ nỗi họ không tin. Họ nghĩ mình không muốn bán nên nói vậy. Rồi họ ngủ lại bên cạnh cây sưa, sáng ra lại đi tìm người đến dặm hỏi. Khi ai cũng khăng khăng bảo đó không phải huỳnh đàn thì người đó mới chịu đi… Bây giờ tôi sống tích đức cho vợ con rồi, nên tôi không ăn mấy đồng tiền không chính đáng đó được” - Lương quả quyết.

Đặc biệt, trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Phạm Minh Lương luôn nhắc đến tên Thiếu tá Lương Quốc Bình (Phòng CSĐTTPVTN CA tỉnh Quảng Nam), người trực tiếp điều tra vụ án và tham gia di lý Lương về Việt Nam. Bởi theo Lương, chính Thiếu tá Bình là người đã hướng thiện, giúp Lương hoàn thành được cai nghiện và trở thành người hoàn lương như ngày nay.

Còn tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Bình cho biết, vụ án Phạm Minh Lương là một trong những vụ án mà anh nhớ nhất. Bởi vụ án có yếu tố nước ngoài và lần đầu tiên CQĐT CA tỉnh Quảng Nam ra nước ngoài để dẫn độ đối tượng về nước. Thiếu tá Bình nhớ lại, trong thời gian tầm nã Lương, anh đã về gặp cha mẹ của Lương. Ngày đó, Lương bỏ đi khiến họ ngày đêm thương nhớ, nhưng không biết tìm con ở phương trời nào. Sau khi Lương được đưa về từ Lào, bà Nguyễn Thị Chiểu (1925, mẹ Lương) đã ngỏ lời cảm ơn cơ quan CA vì đã tìm được con trở về cho bà. Ngay cả Phạm Minh Lương, ngày ra tù, anh đã tìm gặp Thiếu tá Bình để nói lời cảm ơn chân thành, rằng các anh CA đã giúp Lương trở về quê hương, trở về với gia đình và từ bỏ ma túy…

“Con người ta sinh ra ai cũng muốn hướng thiện. Nhưng do cuộc đời đưa đẩy. Mình đã vượt qua được những lỗi lầm đó rồi nên giờ mình sẽ sống sao để khi mình chết đi, mọi người khóc, còn mình thì mỉm cười” - Lương tự tin nói lời chia tay tôi. Ngoài trời, mưa vừa tạnh, những ánh chiều rực đỏ. Vâng, sau cơn mưa, trời lại sáng...

Bão Bình