Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng?
Trong lịch sử 244 năm của nước Mỹ, chưa từng có vị tổng thống nào từ chối rời Nhà Trắng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử. Sự chuyển giao quyền lực một cách trật tự, hợp pháp và ôn hòa là một trong những dấu ấn đặc trưng của nền dân chủ Mỹ. Vì vậy, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ chối việc chấp nhận thua cuộc trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tạo ra một tình huống mới lạ và làm đảo lộn nước Mỹ. Sau đây là các kịch bản không tưởng mà các nhà phân tích đang xem xét.
Nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xuống đường gần đây ở Phoenix, bang Arizona. Ảnh: AFP |
“Còn lâu mới kết thúc”
Hôm 7-11, khi ông Trump đang đánh golf bên ngoài thủ đô Washington khi các hãng tin lớn của Mỹ đưa tin ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ngay lập tức, ban vận động tranh cử của tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng “cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc”. “Tất cả chúng ta đều biết tại sao ông Joe Biden vội vã giả vờ làm người chiến thắng, và tại sao các hãng tin ủng hộ ông ta đang cố gắng để giúp đỡ ông ta: họ không muốn sự thật bị phơi bày”, ông Trump tuyên bố. “Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”, ông nhấn mạnh.
Ông Trump từ chối nhận thua và không coi chiến thắng của ông Biden là hợp pháp. “Nếu đếm những phiếu bầu hợp lệ, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nhưng nếu đếm cả những phiếu gian lận, họ có thể cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử từ chúng tôi”, ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết quả chung cuộc được công bố. Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, cho biết ông sẽ nộp 10 đơn kiện về vấn đề gian lận bầu cử.
Hiến pháp Mỹ nêu rõ, việc tuyên bố nhiệm kỳ tổng thống đương nhiệm sẽ chấm dứt “vào trưa ngày 20-1”. Ông Biden đã giành được đủ các bang để đảm bảo việc ông có được hơn 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết. Do đó, ông Biden có quyền giữ chức vụ tổng thống trong 4 năm tới.
Ông Trump vẫn có các nguồn lực hợp pháp và chính danh mà ông có thể sử dụng để thách thức kết quả bỏ phiếu, nhưng trừ khi có sự thay đổi đáng kể tại các tòa án trong tương lai gần, và chỉ khi ông Trump có thể chứng minh những bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, cho đến nay ông vẫn chưa thể đưa ra bằng chứng là thực sự.
Điều đã được dự đoán
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng ông sẽ không chấp nhận thua cuộc. Ông thể hiện sự quyết tâm tiếp tục nắm giữ quyền hành, bất kể các cơ quan bầu cử nói gì, chỉ ra rằng khả năng duy nhất khiến không thất bại là do cuộc bầu cử bị đánh cắp. Vì vậy, các nhà phân tích đã bắt đầu thảo luận về những gì sẽ xảy ra nếu ông Trump cố gắng bấu víu quyền lực.
Giả thuyết này thậm chí đã được ông Biden đề cập đến trước cuộc bầu cử. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 11-6, khi ông Biden được hỏi rằng liệu ông có nghĩ đến khả năng Trump thua cuộc và từ chối rời dinh tổng thống hay không. “Có, tôi đã nghĩ về điều đó”, ông Biden trả lời và nói thêm ông tin chắc rằng, trong tình huống như vậy, quân đội sẽ chịu trách nhiệm ngăn ông Trump tiếp tục tại vị và đơn giản chỉ cần đuổi ông ấy ra khỏi Nhà Trắng. Ông Biden cho rằng, cử tri, chứ không phải ứng cử viên, sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử. Điều này đã được xác nhận trong tuyên bố của ban vận động tranh cử của ông. “Người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này, và chính phủ Mỹ tuyệt đối có khả năng hộ tống những kẻ vi phạm ra khỏi Nhà Trắng”, tuyên bố viết.
Kịch bản không tưởng?
Nếu kết cục tồi tệ nhất xảy đến, và ông Trump vẫn kiên quyết từ chối rời Nhà Trắng, lòng trung thành của lực lượng an ninh với ông có thể cần được suy xét. Liệu có khả thi không khi Trump cố gắng dùng lực lượng an ninh quốc gia để nắm quyền một cách bất hợp pháp.
Giáo sư Dakota Rudesill, chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia và luật pháp tại Đại học Bang Ohio cho biết: “Để một tổng thống lạm dụng quyền hạn tổng thống để tiếp tục nắm quyền sau khi thua cử, sẽ là điều khó khăn và sẽ hủy hoại các chuẩn mực quan trọng. Nhưng điều đó không phải là không thể tưởng tượng được”.
Ông cảnh báo: “Điều này sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho các nguyên tắc cốt lõi của mối quan hệ quân sự- dân sự và triển vọng về nền dân chủ trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông nói rõ rằng, theo quan điểm của mình, kịch bản ông Trump bám trụ chức vị tổng thống nhờ vào sự hỗ trợ của lực lượng an ninh, khó có thể xảy ra. “Các quân nhân thề trung thành với hiến pháp, chứ không phải tận tụy với chính trị gia đang nắm quyền. Và sĩ quan quân đội cấp cao nhất quốc gia hiện thời, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã nhiều lần nói rằng quân đội không đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử này”, ông Rudesill cho biết.
Giáo sư Rudesill bày tỏ lo ngại về các tình huống liên quan. “Tôi đã viết về khả năng Tổng thống Trump sẽ cố gắng sử dụng lệnh hành pháp hoặc Bộ Tư pháp vốn được kiểm soát bởi các đồng minh chính trị của ông để cố gắng đưa ra chỉ thị, nêu rõ rằng nhánh hành pháp nên coi Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đang tranh chấp”, chuyên gia này nhận định, nhưng ông cảnh báo rằng điều này là “hoàn toàn không phù hợp và không thể chấp nhận được”. Ông nói: “Lệnh cho quân đội tiếp tục theo lệnh tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào trưa ngày 20-1 sẽ đặt quân đội vào tình thế bất khả. Một nửa nước Mỹ và nhiều người trên khắp thế giới sẽ nghĩ rằng quân đội Mỹ vốn phi chính trị đã có lập trường về đảng phái. Quân đội không bao giờ được, không chấp hành lệnh đó”.
Bạo lực trong thời gian chờ đợi?
Và trong trường hợp cực đoan khi mà tính tự trị của quân đội bị thách thức do tranh chấp đảng phái, nhiều người cảnh báo tình hình chính trị hiện tại có thể châm ngòi cho bạo lực ở nhiều khu vực.
Bà Keisha Blaine, giáo sư tại Đại học Pittsburgh và là chuyên gia nghiên cứu các phong trào phản kháng xã hội, cho rằng một tình huống mà ứng cử viên thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng từ chối thừa nhận kết quả có khả năng dẫn đến “rối loạn dân sự trầm trọng”. Bà Blaine cho rằng lối nói hùng hồn của tổng thống “đã làm gia tăng khả năng nổ ra các cuộc biểu tình và thậm chí là bạo lực”.
Nhiều thành phố ở Mỹ đã chứng kiến tình huống này trong vài tháng gần đây, với những người biểu tình được trang bị vũ khí bày tỏ sự ủng hộ đối với tổng thống, cũng như sự xuất hiện của các nhóm đối lập cực đoan trên đường phố. Việc một số người trong nhóm này được trang bị vũ khí là lời nhắc nhở về bạo lực tiềm tàng xuất phát từ những căng thẳng chính trị hiện tại trong lòng nước Mỹ.
AN BÌNH