Chuyện kể của những phu vàng trở về (2)

Thứ năm, 25/08/2016 11:43

* Kỳ 2: Những cuộc đào thoát

(Cadn.com.vn) - Đối diện với nỗi sợ hãi khủng khiếp, đó là những hầm vàng hun hút thọc sâu vào lòng núi có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Thêm nữa, cuộc sống khổ ải, đói rét giữa chốn rừng thiêng nước độc đã khiến không ít phu vàng chùn bước, mong được trở về. Nhưng, ở chốn “vô pháp vô thiên” này muốn thoát thân đâu có dễ. Nếu không được sự đồng ý của chủ, những người bỏ trốn không thành nhất định được một trận nhừ thân.

Một góc xã Xá Lượng, H. Tương Dương.

Moong Thị Sắc (2000) và Lò Thị Xí (2001, cùng trú xã Bắc Lý, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) đang học lớp 10 thì bỏ ngang vì chán phải đuổi theo con chữ. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Sắc và Xí chỉ quẩn quanh bên bếp lửa gia đình lại càng chán hơn. Khoảng cuối tháng 2-2016, một phụ nữ lạ vào bản “tuyển” người đi làm tại các bãi vàng. Thấy... là lạ, Sắc và Xí mon men lại nghe ngóng thì được hỏi ngay: “Có muốn đi nấu ăn không? Lương cao, công việc lại nhẹ nhàng”. Không vướng bận gì, hai sơn nữ gật đầu...

Điểm dừng chân cho chuyến xa nhà lần đầu tiên trong đời của Sắc và Xí là một bãi vàng tại tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, khi vào tận bãi vàng Sắc và Xí mới biết mình bị lừa. “Họ đưa chúng em vào bãi vàng. Em phải làm việc từ sáng sớm đến trưa, ăn xong một tý lại phải ra làm việc đến tối mịt. Con gái thì đãi vàng, con trai thì vào hầm đào. Làm việc cực khổ lắm nhưng chỉ được ăn cơm với cá khô, đu đủ muối, tối ngủ ở lán chung, không màn, không gối. Khổ quá, chịu không được nên em với Xí viết đơn xin về nhưng ông chủ không cho” - Sắc cho biết.

Lao động khổ sai được khoảng một tháng rưỡi, chịu không thấu, Sắc - Xí quyết định trốn khỏi bãi vàng. “Một đêm tối trời, lợi dụng sự lơ là của các cai, hai chị em dắt tay nhau cắm đầu bỏ chạy. Cứ cắt rừng mà đi, hơn 1 ngày sau thì ra được đường lớn, vừa mệt, vừa đói, vừa sợ. May được người dân giúp đỡ, đưa lên CAH trình báo. Sau đó các chú CA gọi điện cho chủ bãi vàng, ông Quang (tên chủ bãi vàng nơi Sắc và Xí làm việc) mới chịu trả tiền cho em. Mỗi đứa được 4,5 triệu đồng tiền công cho 1 tháng rưỡi làm việc ở bãi” - Sắc kể tiếp.

Hai sơn nữ Sắc và Xí may mắn trốn thoát được, tìm tới cơ quan CA cầu cứu.

Cũng theo lời Sắc, cùng làm việc ở bãi vàng còn có khoảng 20 cô gái khác cũng quê ở Nghệ An. Sau khi Sắc và Xí trốn thoát khỏi bãi vàng, đến báo với CAH Nam Giang thì số lao động nữ trên cũng được CA vào đưa ra khỏi bãi. “Em sợ rồi, không đi làm vàng nữa mô. Năm sau em xin đi học lại, cố gắng lấy cái bằng cấp 3 rồi đi xin làm công nhân thôi” - Moong Thị Sắc nói về tương lai.

Thanh niên bản Na Bè, xã Xá Lượng, H. Tương Dương cũng không ngoại lệ, thi nhau rời bỏ làng bản đi làm ăn xa, phần lớn vào Quảng Nam làm phu cho các bãi vàng, để rồi lúc trở về mang theo nỗi ám ảnh. Nộc Bún My (2001) kể lại quãng thời gian ở chốn “địa ngục” của những “phu” vàng. Ban đầu, nghe lời rủ rê về cuộc sống cũng như công việc với mức lương 3 triệu đồng/tháng ở bãi vàng Quảng Nam, My theo 4 bạn đồng trang lứa lên đường. Sau hơn một ngày di chuyển bằng ô-tô, mọi người được đưa đến bãi vàng tại xã Phước Thanh, H. Phước Sơn. Ở đây có khoảng 200 người quê Nghệ An đang làm. Ngày đầu tiên của My ở bãi vàng bắt đầu bằng những lời hăm dọa: “Ai bỏ trốn tao sẽ cắt tai!”.

Sau cái chết của 3 anh em trai, Cụt Văn Bình đã trở về và đoạn tuyệt với nghề phu vàng.

Chỉ 2 tháng làm việc tại đây, My thấy không ít các cuộc tháo chạy của những phu vàng vì không chịu được cảnh lao động cực nhọc. Tuy nhiên, do rừng núi hoang vu, lại không thông thạo địa hình nên hầu hết các cuộc đào thoát đều không thành. Khi biết có người bỏ trốn, bọn chủ liền tung người ra tìm kiếm, vây bắt. Bắt được ai, chúng đưa ra đánh đập dã man để người đó không bao giờ dám nuôi ý định chạy trốn và cũng để răn đe những người còn lại. “Mỗi ngày phải lao động 12-14 tiếng đồng hồ, ăn uống lại kham khổ, luôn đối diện với nỗi lo sập hầm nên ai làm được một thời gian cũng ngán ngẩm. Nung nấu ý định mãi, cuối cùng em với một số người khác đã trốn thoát. Giờ có cho lên lấy vàng em cũng không dám đi nữa” - My tâm sự.

Cuộc đào thoát khỏi bãi vàng của anh Lô Văn Khoa (1981, trú bản Cha Hìa, xã Xiêng My, H. Tương Dương) cũng không kém phần gay cấn. Vào một đêm tối trời, lợi dụng “cai” ngủ say, Khoa cùng anh Lô Văn Thìn (trú cùng quê) lặng lẽ rời khỏi lán và đi thẳng vào rừng. Cứ thế mà đi, đói thì hái lá rừng lót dạ, mệt thì leo lên cây ngủ. Thi thoảng gặp lán trại của những người khai thác gỗ bỏ lại, 2 người vào lục tìm muối rồi hòa với nước suối để uống. Hành trình tháo chạy, họ may mắn gặp được một người đàn ông Cơ Tu và được người này dẫn về bản cho ăn cơm rồi chỉ đường ra khỏi rừng, tìm tới QL. Do không có tiền trong người, Khoa năn nỉ mãi chủ xe mới cho lên với điều kiện “về tới nhà phải thanh toán tiền xe”. Lên xe, hai người mượn điện thoại rồi gọi về cho gia đình biết tin để chuẩn bị tiền, xuống chờ sẵn ở ngã ba Diễn Châu (QL1A - QL7A) để thanh toán tiền xe và đưa về nhà.

Cơ cực nhất có lẽ phải kể đến phu vàng Lô Văn Long. Đi làm cùng đợt với Khoa và anh Thìn, nhưng do sức yếu không làm được nhiều nên ông Long thường xuyên bị đánh đập dã man, thậm chí còn bị đạp lăn xuống hố vàng, toàn thân sưng tấy. Không thể bỏ trốn cùng anh Thìn và anh Khoa, ông Long buộc phải ở lại bãi vàng chờ cơ hội. Và may mắn đã đến với ông Long khi được một người bán hàng thương tình bày cách để giúp ông trốn thoát. Nhân lúc trời mưa, bọn gác bãi không để ý, ông đã băng qua con suối lớn rồi trốn vào một cánh rừng. Với tấm “sơ đồ” trong tay, ông lần mò và tìm đến được một vùng dân cư. Tại đây, ông Long được người dân địa phương giúp đỡ bằng cách tạo điều kiện cho ông làm thuê để kiếm tiền về quê. Sau gần 2 tuần vừa làm vừa nghỉ ngơi, ông Long kiếm đủ số tiền mua vé xe về quê, bỏ lại sau lưng những ngày tháng kinh hoàng.

X.S
(còn nữa)