Chuyện kể trong rừng Hương (2)

Thứ tư, 29/10/2014 10:00

* Bài cuối: Rừng Hương của buôn làng

(Cadn.com.vn) - Cách xa những cây Hương cổ thụ tại xã Krong (H. Kbang, Gia Lai) hơn 100km là cánh rừng Hương nguyên sinh khác tại khu vực xã Ia Kriêng (H. Đức Cơ, Gia Lai). Nơi đây, dù rừng Hương nằm gần khu dân cư, thuận tiện cho việc đi lại nhưng tuyệt nhiên không một cây Hương nào bị chặt hạ. Bởi nó được cả một cộng đồng che chở và xem đó như là một báu vật.

Dù đã từng tới rừng Hương này một lần nhưng khi chúng tôi đề cập chuyện quay trở lại viết về cánh rừng Hương tại làng Grông (xã Ia Kriêng) thì sự e ngại hiện lên gương mặt của anh Trịnh Xuân Hữu, Kiểm lâm phụ trách địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm H. Đức Cơ. Bởi lẽ, gỗ Hương đang lên giá từng ngày và trở thành mặt hàng “hot” mà “lâm tặc” luôn nhòm ngó, săn lùng. Thế nhưng, sự e ngại đó cũng bị xua đi vì anh Hữu cũng hiểu rằng rừng Hương này đang được dân làng, chính quyền địa phương chung sức bảo vệ và xem đó như một báu vật. Trong khi việc khai thác rừng trái phép đang diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là gỗ Hương (nhóm I) luôn “nóng” thì ở nơi đây, cánh rừng gỗ Hương nguyên sinh vẫn sinh trưởng và phát triển.

Từ trung tâm xã Ia Kriêng đi vào khoảng 8km, phải nhờ một cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi mới tìm được rừng Hương nằm ở làng Grông. Trên một vùng đồi đất pha cát, dù khắc nghiệt nhưng không hiểu sao những cây Hương lại “chọn” nơi đây để bám trụ. Hơn 3.200 cây gỗ Hương có tuổi đời vài chục năm quần tụ với nhau thành rừng với diện tích gần 4ha, những cây lớn giờ đường kính cũng hơn 60 - 70cm, cây nhỏ cũng hơn 10cm, những cây mới nảy mầm thì không thể đếm hết. Và chỉ duy nhất có mỗi loài Hương mọc lên ở đây tạo nên một cánh rừng nguyên sinh đặc hữu. Hàng nghìn cây Hương mọc san sát, cây cao thẳng đứng 30-40m, những tàng cây che kín, tỏa bóng mát rượi cả khu rừng.

Cánh rừng đặc hữu với gần 4ha toàn cây gỗ Hương và những cây Hương non tiếp tục lớn lên.

Ông Rơmah Lel, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết: “Từ những năm 80 của thế kỷ trước, dân làng Grông đã phát hiện cánh rừng Hương đặc biệt này và cũng từ đó dân làng cùng chính quyền chung tay bảo vệ, ngăn chặn những người xấu ở nơi khác đến chặt phá. Gia Lai chỉ còn duy nhất ở xã mình có rừng Hương đặc biệt như thế này thôi! Bà con mình tự hào lắm!”. Anh Rơ Mah Uyn, người dân sống trong làng kể: “Hồi nhỏ, mình đi lấy củi đã vào rừng Hương này, ở đây chim chóc, gà rừng theo mùa kéo nhau về làm tổ, đến mùa cả những cây Hương nở hoa vàng cả góc rừng này. Chỉ cần đứng đây vào buổi sáng hoặc buổi chiều, đủ loại chim kêu vang cả nơi đây”. Có lẽ, người đàn ông này cảm nhận được vẻ đẹp, quý của rừng Hương nên đã tình nguyện đứng ra bảo vệ rừng cây từ những ngày cánh rừng Hương này được chính quyền xã phát hiện.

Đến giờ này, để tìm được một cánh rừng nguyên sinh đặc hữu toàn cây Hương ở mảnh đất Tây Nguyên này như tại làng Grông này là chuyện hy hữu. Bởi sự săn lùng với những thú chơi đồ gỗ quý của con người, cây Hương bị triệt phá tận gốc trước nhiều nỗ lực bảo vệ của chính quyền. Và cái tin làng Grông có một rừng Hương đặc hữu dĩ nhiên đã đến tai lâm tặc từ lâu. Nhiều lần, “lâm tặc” đã đưa cưa máy, xe cộ vào rừng rắp tâm chặt hạ... song mọi hành động của đám “lâm tặc” đều bị dân làng ngăn chặn.

Người già ở làng vẫn còn nhớ: khi biết tin làng Grông có rừng Hương, đám “lâm tặc” đến làng nhiều lần lắm. Chúng mua rượu, mua thịt vào gạ gẫm mời người già. Gặp ai chúng cũng bị la mắng. Không mua chuộc được người già, chúng quay sang lôi kéo đám trai làng. Có đứa lưỡng lự. Tin đến tai người già, họ gọi những đứa trong làng đến răn: Nếu đứa nào giúp “lâm tặc” chặt rừng Hương thì đừng quay về nhìn mặt người làng nữa. Cái bụng đám thanh niên biết sợ, biết nghe theo lời người già! Hay nhiều năm trước, những cơn sóng dữ đến với làng Grông: một số người bị bệnh phong, đói nghèo. Cuộc sống cơ cực đeo đẳng người làng. Những cuộc mưu sinh khốn khó vắt kiệt sức họ. Hơn trăm nóc nhà buồn hiu mỗi ngày. Dù khốn khó là vậy nhưng người làng vẫn thầm bảo nhau không được đẵn bất cứ một cây hương nào đem bán...

Chuyện đó giờ chỉ còn là dĩ vãng. Ngày hôm nay, cuộc sống của người làng Grông đã không còn cái đói, cái nghèo bám theo nữa. Và ý thức giữ rừng Hương nguyên sinh của làng vẫn vẹn nguyên.

Một trong những cây Hương có đường kính lớn tại cánh rừng nguyên sinh
gỗ Hương tại làng Grông.

Ngoài những cây Hương, khu rừng này lác đác có vài cây gỗ trắc. Đây cũng là loại gỗ quý được thương lái lùng sục, mua từng ki- lô-gam từ thân, cành, rễ. Để bảo vệ cánh rừng này, công giữ rừng của những cán bộ gác rừng, người dân nơi đây cũng không hề nhỏ. Anh Nguyễn Hữu Mạnh, một trong hai người được UBND H.Đức Cơ thuê giữ rừng Hương cổ thụ cho biết: “Tôi trông rừng Hương từ hơn mười năm nay. Thỉnh thoảng mấy đứa choai choai bên ngoài cũng vào phá, khi thì bắt con gà, khi thì lấy vài đồ dùng, nhưng rừng Hương thì chúng không dám phá”.

Và để bảo vệ rừng Hương, cách đây vài năm, chính quyền H. Đức Cơ đã trích ngân sách làm một ngôi nhà nhỏ và thuê hai người canh giữ 24/24 giờ rừng Hương quý. Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND H. Đức Cơ chia sẻ: “Nếu có thêm dự án, nguồn vốn để đầu tư, bảo vệ rừng Hương này nữa thì quá tốt... Chẳng hạn như rào chắn lại, cho phép chăn nuôi dưới tán rừng, ươm thêm cây Hương để nhân giống ra nơi khác. Từ đó, ngoài việc bảo vệ, phát triển rừng, nơi đây còn là một nơi đáng đến khi khách phương xa đến thăm huyện vùng biên này”.

Nơi đây, mỗi mùa Hương vẫn nở hoa vàng rực thu hút những đàn chim cả ngàn con đến trú ngụ... Từ lâu, khu rừng đã trở thành một phần của làng, của cộng đồng muôn loài nơi Trường Sơn hùng vĩ.

Minh Tân