Chuyến tàu về lại thanh xuân

Thứ năm, 11/11/2021 16:59

Trong tưởng tượng mỗi người, thầy của một thầy giáo chắc hẳn đã già, râu tóc bạc phơ… Riêng Thầy tôi lại khác, thời gian, vất vả cuộc đời dường như không mấy tác động đến gương mặt Thầy dù đã sáu mươi lăm tuổi. Sau mấy năm không gặp, Thầy có vẻ gầy hơn, dáng vẫn cao dong dỏng, mái tóc có đôi phần bạc nhưng nụ cười vồn vã, cái bắt tay thân mật vẫn nguyên vẹn như xưa. Thầy trò chúng tôi hàn huyên, loáng một cái đã ba giờ đồng hồ. Tôi vội vã cáo từ.

Hình ảnh người thầy luôn ấm áp trong trái tim, tâm hồn của mỗi người.

Bao ký ức thời thanh xuân lần lượt quay về. Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng nhọc nhằn của năm tám mươi hai, tám mươi ba dưới thời bao cấp. Cuộc sống ai ai cũng vất vả, cơm không đủ ăn áo không đủ ấm. Còn với Thầy, đây cũng là giai đoạn đầy cam go, bao đồng nghiệp phải bỏ nghề vì đồng lương ít ỏi. Song, cái nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tận tụy vì trò đã níu chân Thầy. Dường như, bao lo lắng của người cha, sự quan tâm của người anh, trách nhiệm của thầy giáo, Thầy đều dành cho chúng tôi. Những giờ lên lớp của Thầy, bọn chúng tôi đứa nào cũng tròn xoe đôi mắt, há hốc mồm để nuốt từng lời, từng ý. Chính Thầy đã truyền cho chúng tôi lòng say mê văn học, yêu lời hay- ý đẹp… với lối giảng truyền lửa, độc đáo và kho kiến thức uyên thâm…

Song cả sáu đứa bọn tôi đều ngán giờ trả bài Làm văn của Thầy. Chúng tôi ngán không phải vì Thầy lên lớp không chuẩn mà vì sợ. Thầy tôi tính tình cởi mở song vô cùng nghiêm khắc trước những bài văn vụng về, ngu ngơ của bọn tôi. Thầy sửa tỉ mỉ từng lỗi, chỉ ra những chỗ này vụng, đoạn kia thừa… Có lúc, những đoạn văn lủng củng bị đọc trước lớp làm bật cười cả chúng bạn, còn tôi mặt đỏ lừ vì ngượng. Chính sự chu đáo, đầy trách nhiệm với công việc của Thầy đã giúp chúng tôi trở nên "khôn hơn" sau những vấp váp. Có một lần, Thầy ra đề Làm văn tưởng tượng là Sơn Tinh sau giấc ngủ hàng nghìn năm, tỉnh dậy nhìn thấy quang cảnh mới trên công trình thủy điện sông Đà… Đọc xong đề bài, bọn chúng tôi đứa nào cũng ra vẻ hiểu biết, chăm chú viết, có bài đến hai, ba trang đôi giấy vở… và rồi… chờ đợi…  Đến giờ trả bài, mỗi đứa lãnh một cây gậy Trường Sơn to tướng. Cả sáu đứa, mặt tái mét lắng nghe Thầy quở trách. Kết quả của bài tập đó theo mãi chúng tôi như một lời nhắc nhở, không bao giờ được nông cạn trong suy nghĩ, chủ quan khi viết, bởi "bút sa gà chết" mà.

Không chỉ truyền cho chúng tôi kiến thức, Thầy còn rèn cặp cả chữ viết. Mỗi ngày, Thầy bảo chúng tôi chép một bài thơ vào cuốn vở theo đúng ô li, mẫu chữ… Tôi vẫn nhớ lời Thầy: "văn hay- chữ tốt", "nét chữ- nết người"… Cứ thế, như con ong thợ miệt mài xây tổ, Thầy lặng lẽ sửa từng dáng ngồi, nét chữ, truyền cho túi kiến thức chúng tôi mỗi ngày đầy thêm. Thầy không chỉ là người chỉ dạy cho chúng tôi kiến thức trong sách vở, bài học ngoài đời mà thầy còn là "thần tượng" trong đôi mắt của những trẻ mười bốn, mười lăm bởi những pha đánh bóng chuyền đẹp mắt mỗi buổi chiều trước sân phòng giáo dục. Vậy mà, như thường lệ cứ 19 giờ 30 thầy lại có mặt ở lớp, kèm cho đội tuyển ôn lại kiến thức, để theo kịp chương trình. Học xong, cả mấy thầy trò lại cuốc bộ dạo quanh "thị trấn trong lòng bàn tay", ghé vào quán ăn phở bồi dưỡng. Thuở bao cấp, bọn tôi còn trẻ con quá nên chỉ biết vâng lời Thầy mà không bao giờ để ý với đồng lương giáo viên eo hẹp, thầy phải dè sẻn chi tiêu cho bản thân, lại còn phải lo cho gia đình nhỏ của mình nữa… Thiệt là cả một bọn vô tư, vô lo quá mức. 

Giờ đây- chúng tôi- đã trưởng thành, mỗi bạn một công việc, có người cũng đã làm sui, sắp sửa về hưu; song những kỷ niệm về lớp bồi dưỡng ngày nào và về Thầy sẽ không bao giờ phôi pha. Đình Tuấn, Hoàng Oanh những học trò cưng nhất của Thầy bây giờ sống và công tác tận thành phố Hồ Chí Minh. Sơn- thi sĩ đã trở thành bác sĩ, bọn con gái chúng tôi tiếp theo cái nghiệp của Thầy. Có phải, hướng cuộc đời của tôi đã phần nào ảnh hưởng từ những ngày được học Thầy chăng? Bụi thời gian có thể phủ mờ lên tất cả, song tâm hồn mỗi người luôn có những góc nhớ, nơi ấy sự lãng quên không được quyền đặt chân tới. Những chuyến tàu thanh xuân luôn dành vé cho những ai biết trân trọng và luôn khao khát tìm về.

Nguyễn Thị Thu Thủy