Cơ hội nhiều, nhưng không nhiều kỳ vọng!

Thứ hai, 16/07/2018 09:18

Sau khi gây hỗn loạn tại bàn thượng đỉnh NATO và tạo sự chú ý ở Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Helsinki, thủ đô của Phần Lan, để sẵn sàng cho  cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Thời điểm hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới này gặp nhau tại Helsinki mang tính biểu tượng cao: diễn ra 1 ngày sau trận chung kết World Cup tại Moscow, Nga. Người Nga đang rất vui sau thành công của kỳ World Cup. Dù đội Nga bị loại ở tứ kết sau loạt đá luân lưu với Croatia, người Nga vẫn tự hào và yêu quý đội bóng của mình. Trong khi đó, ông Trump đến Helsinki với tâm thế muốn xích lại gần Nga hơn sau những cuộc cãi vã với những nước đồng minh trong NATO. Địa danh Helsinki cũng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng: đây là nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán giữa Moscow  và Washington trong suốt thời Chiến tranh Lạnh.

Có thể nói, cơ hội cho cả hai là rất lớn. Tuy nhiên, không nhiều kỳ vọng cho cuộc gặp này. Hầu hết đều nghĩ rằng, sẽ không có kết quả cụ thể từ hội nghị thượng đỉnh này, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ hai bên vẫn đang tồn tại những bất đồng sâu sắc và ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Các vấn đề chính có khả năng chi phối bàn thượng đỉnh lần này là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 (trong đó Nga bị cáo buộc can thiệp để giúp ông Trump giành chiến thắng); kiểm soát vũ khí hạt nhân; Ukraine và Syria. Trên thực tế, hai bên cho đến nay không đạt được nhiều tiến bộ trong bất kỳ thỏa thuận nào về các chủ đề trên.

Nhưng việc Nga bị cáo buộc can thiệp của cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ là vấn đề mà ông Trump sẽ bị buộc phải nói đến do làn sóng chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước. Trước thềm cuộc gặp, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 quan chức quân sự Nga vì bị cáo buộc tấn công mạng trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, động thái càng thúc đẩy bầu không khí đối đầu hơn về vấn đề này. Moscow vẫn luôn phủ nhận những cáo buộc, gọi động thái mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ là hành động làm suy yếu nỗ lực sửa chữa quan hệ song phương của Tổng thống Trump.

Kiểm soát vũ khí được xem là “một chiến thắng dễ dàng” tại hội nghị thượng đỉnh lần này, vì cả ông Trump và Putin đều thừa nhận, cuộc chạy đua vũ trang giữa Washington và Moscow buộc họ phải quan tâm hơn đến vấn đề này. Có thể, hai nhà lãnh đạo sẽ cân nhắc đến việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới). START mới có hiệu lực vào tháng 2-2011 và sẽ hết hạn vào năm 2021. Theo các điều khoản của hiệp ước, cả Washington và Moscow đều buộc phải cắt giảm thêm các vũ khí tấn công chiến lược. Mỹ tuyên bố đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình, nhưng Nga cho biết không thể xác nhận việc này. Trong bối cảnh đó, ông Putin và Trump có thể sẽ bắt đầu tham vấn chuyên sâu để giải quyết vấn đề.

Ổn định Syria cũng có thể là vấn đề mà hai bên có thể tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên, Tổng thống Trump không mong đợi nhiều từ các cuộc đàm phán với người đồng cấp Putin về vấn đề này nhưng có thể cả hai sẽ đạt được “một cái gì đó đặc biệt” cho cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm qua.

THANH VĂN