“Cơ hội vàng” cho Iran

Thứ hai, 18/01/2016 09:09

(Cadn.com.vn) - Iran chính thức mở ra “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ với toàn thế giới khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này đã được dỡ bỏ.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 17-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 là “trang vàng” trong lịch sử sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

“Các cuộc đàm phán hạt nhân, thành công dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ tối cao và sự ủng hộ của dân tộc ta, thực sự là trang vàng trong lịch sử của Iran”, Reuters dẫn lời ông Rouhani cho biết. Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, thỏa thuận này là “bước ngoặt” cho nền kinh tế Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn nhưng hầu như đóng cửa với thị trường quốc tế do bị áp đặt trừng phạt. “Đây là cơ hội mà chúng ta nên tận dụng để phát triển đất nước, nâng cao phúc lợi dân tộc, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực”, ông nói đồng thời kêu gọi tiến hành cải cách kinh tế và giảm phụ thuộc thu nhập từ dầu mỏ.

Ngày 17-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) vui mừng sau khi trình bày dự thảo ngân sách năm tới trước Quốc hội, trong bối cảnh lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ. Ảnh: AP

Kỷ nguyên “hậu trừng phạt”

Iran chấm dứt những năm tháng bị cô lập về kinh tế khi tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đã được dỡ bỏ từ ngày 16-1, theo sau xác nhận của Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng, Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Mỹ “bắn phát súng hoan hỉ mở màn” bằng quyết định chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt các lĩnh vực gồm ngân hàng, thép, vận chuyển và các biện pháp xử phạt khác đối với Iran. EU, tương tự như vậy, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran, vốn được 28 nước thành viên thông qua. LHQ và nhiều quốc gia đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, hy vọng thành công này sẽ góp phần vào sự ổn định của khu vực Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ả. Trên thực tế, với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, khối tài sản trị giá hàng chục tỷ USD của Iran hiện nay sẽ được giải tỏa và các Cty trên toàn thế giới, vốn bị cấm hoạt động kinh doanh với Iran, có thể khai thác một thị trường đang “đói” mọi thứ, từ ô-tô cho đến các bộ phận máy bay. Trên thực tế, nhiều Cty tại các nước tuyên bố đang nỗ lực chuẩn bị đến làm ăn tại Iran trong khi Tehran đã đồng ý mua 114 máy bay dân sự Airbus.

Và đặc biệt, động thái này sẽ giúp uy tín của Iran trên trường quốc tế gia tăng hơn trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo Shiite này đang vướng vào cuộc chiến ngoại giao với Saudi Arabia và bị lôi kéo sâu vào các cuộc xung đột sắc tộc ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc nội chiến Syria.

Còn nhiều chông gai

Trong động thái trùng hợp bất ngờ với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Tehran tuyên bố thả 5 người Mỹ, gồm cả phóng viên Washington Post Jason Rezaian, như là một phần trong thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nhà Trắng.

Theo xác nhận của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, máy bay chở 5 người Mỹ này đã cất cánh khỏi thủ đô Tehran trong ngày 17-1. Washington cũng xác nhận Tehran đã trả tự do cho các công dân bị bắt giữ. Tại Washington, Tổng thống Barack Obama ân xá cho 3 người Mỹ gốc Iran bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Tất cả những động thái này rõ ràng giúp giảm bớt sự thù địch giữa Tehran và Washington, trong mối quan hệ vốn đã định hình Trung Đông từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Tuy nhiên, sự tan băng trong quan hệ của Mỹ với Iran đối mặt với thái độ hoài nghi sâu sắc của đảng Cộng hòa cũng như các đồng minh của Washington ở Trung Đông, bao gồm cả Israel và Saudi Arabia. Tel Aviv lên tiếng gay gắt về việc này. “Iran sẽ không từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân và tiếp tục hành động gây bất ổn Trung Đông cũng như lan truyền chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới”, tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu rõ. Trong tuyên bố riêng rẽ tại cuộc họp nội các, nhà lãnh đạo Israel cảnh báo rằng, Tel Aviv kiên quyết sẽ không cho phép Tehran có được vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Netanyahu còn chỉ trích việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt “sẽ tạo điều kiện cho Iran tăng cường hỗ trợ các phiến quân trong khu vực”.

 Hồi tháng 7-2015, sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử, cũng chỉ có Israel lên tiếng phản đối kịch liệt. Thủ tướng Netanyahu thậm chí cho rằng, thỏa thuận này là “sai lầm lịch sử”.

Khả Anh