Có một dòng sông trong ký ức (*)

Thứ ba, 01/03/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Làm thơ đăng báo từ thời còn là sinh viên vào thập niên 1970, nhưng mãi đến gần 10 năm sau khi về hưu, thầy giáo một thời dạy văn Trường THPT Thái Phiên, TP Đà Nẵng mới cho ra mắt "đứa con tinh thần" đầu tiên của mình. Đó là tập thơ "Chút lòng làm tin" (Nxb Văn Học - 2014). Tập thơ ấn hành, may mắn được sự tiếp nhận chân tình của các trường học, các đồng nghiệp, bà con thân hữu và nhất là đông đảo những học trò cũ. Đó như là món quà tinh thần, là hồi ức, là kỷ niệm của "một thời vang bóng" dưới tàn phượng vĩ của những ngày tươi đẹp nhất dần ngủ yên trong miền ký ức.

Tác giả Hồ Đức Minh tại một buổi giới thiệu sách.

Phải chăng, đứa con tinh thần đầu tiên là "cú hích" tạo nguồn cảm hứng và động lực để thầy giáo, nhà thơ Hồ Đức Minh trong chỉ hơn 1 năm sau lại cho trình làng ấn phẩm mới là tập thơ thứ hai của mình với tên gọi "Dòng sông gợi nhớ" (Nxb Đà Nẵng - 2016). Hình như, trong ký ức cuộc đời của mỗi người, ai cũng đều có một dòng sông. Đó có thể là dòng sông quê cha, quê mẹ chảy hiền hòa qua làng quê yên bình mà tuổi thơ đã từng tắm mát. Nhưng đó cũng có thể là dòng sông quê bạn, quê người đã để lại những dấu ấn khôn nguôi trong cuộc đời:

"Con sông ấy/Khơi dòng tâm thức/Cứ lững lờ/Chảy vào tưới mát cõi lòng tôi/Từ tuổi thơ/Cho đến cuối cuộc đời...

                           (Dòng sông gợi nhớ)

Hình ảnh dòng sông quê thường mang đến sự liên tưởng về người mẹ tảo tần một nắng hai sương như thân cò trên đồng xa, bãi vắng. Người mẹ quê chạy chợ sang đò như gánh cả cơn giông và cơn mưa... Dưới đôi cánh thiên thần của mẹ, những đứa con dần lớn lên tung cánh muôn phương. Năm tháng êm trôi thầm lặng như nước chảy chân cầu. Rồi theo quy luật tử-sinh, mẹ già xưa không còn nữa. Người con nay cho dù bao nhiêu tuổi cũng bất chợt nghẹn ngào trong ngấn lệ:

"Nay mẹ đi rồi sao mẹ ơi!/Cõi trần con cảm thấy chơi vơi/Luật đời sao nỡ chia đôi ngả/Mất mẹ như mây phủ kín trời...". (Thế giới mẹ hiền)

"Thế giới mẹ hiền" như là một thông điệp cảnh báo những người con phải biết trân trọng, thương yêu mẹ mình. Những vấn đề xã hội đang diễn ra xung quanh, sự cám dỗ của đồng tiền, sự tha hóa của đạo đức được tác giả soi nhìn qua lăng kính thơ của một nhà giáo nên mang hàm lượng giáo dục lớn:

"Anh hào phóng trái tim hồng mở rộng/Lại đẹp trai dễ chinh phục tim non/Vợ con đây cam chịu cảnh sống mòn/Hạnh phúc đó đứng bên bờ vực thẳm!".

                               (Bi kịch gia đình)

Hoặc:

"Thế rồi trong cuộc nhân sinh/Cạn lòng giây phút "ta" "mình" chia tay!/Xa nhau còn nhớ những ngày/Tuy hai mà một sao nay đôi đường!"(Hạnh phúc lệch dòng). Viết để răn người, cũng chính là cách để nhìn mình và răn mình. Người đọc còn bắt gặp nhiều bài thơ như "Ung dung", "Một ngày hơn mọi ngày", "Tổ ấm gia đình" tác giả viết để răn mình, nhưng thật ra, cũng chính để răn đời: Đời biến động tâm ta luôn bất động/Nén giận hờn oán trách - mỉm cười tươi/  Lòng ung dung tự tại giữa biển người/Danh và lợi không buộc ràng chi phối". (Ung Dung)

Ngoài ra, để "nghêu ngao" cùng ngày dài tháng rộng bên chén trà thơm sáng sáng, chiều chiều..., đề tài lịch sử và những chiêm nghiệm mang tính lịch sử cũng được tác giả quan tâm đưa vào trong sáng tác như "Bức tranh Trần Mạc và nhà Hồ", "Chiếc long bào của Ấu Chúa", "Cảm nhận Tây kinh"... Những bài thơ viết về đề tài này như là lời nhắc nhở những kẻ đến sau không quên công ơn của những người đến trước và khai phá để có một non sống gấm vóc hôm nay dù trải qua bốn ngàn năm lịch sử với không biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm, hưng thịnh, suy vong...

Mai Hữu Phước

(*) Đọc "Dòng sông gợi nhớ" của Hồ Đức Minh, Nxb Đà Nẵng – 2016