Có một tình yêu với biển đảo

Thứ ba, 17/03/2015 11:31

(Cadn.com.vn) - Thiếu tá Đào Duy Hòa, Chính trị viên Đồn biên phòng 661 (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam) và vợ là Trần Thị Khải, cán bộ tài chính xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm), Hội An, Quảng Nam là cặp đôi tiêu biểu về “anh đầu non, em cuối bể”...

Tốt nghiệp Đại học Biên phòng năm 1999, chàng sĩ quan trẻ nhận công tác ở Đồn  276 Cù lao Chàm. Làm đội trưởng đội vận động quần chúng, thường xuyên làm việc với địa phương, lại hay gặp nhau trong những lần văn nghệ, từ bao giờ anh đã phải lòng cô nhân viên hợp đồng của ủy ban xã. 4 năm quen nhau, tình yêu ngày càng sâu đậm. Đồng cảm hơn khi bố của Khải cũng là cán bộ biên phòng từ đất liền ra công tác ngoài đảo và lấy vợ, định cư tại đây. Nhưng mối tình không được cha mẹ Hòa ở Đà Nẵng đồng ý vì sợ con trai vất vả. Nhưng rồi trước quyết tâm của con trai, ông bà đành chiều theo. Đúng như dự đoán, năm 2003, lễ cưới của cặp đôi này đã gặp ngay trở ngại đầu tiên. Biển động! Cha mẹ sợ thời tiết thất thường nên trước đó một tuần đã ra đảo, còn bà con của Khải từ Bắc vào hơn chục người, chờ gần cưới mới đi thì đành ở lại Đà Nẵng. Năm đó trên đảo mưa gió lớn đến nỗi rạp cưới che ở đồn biên phòng phải lồng 5 lớp dây mà gió vẫn muốn hất tung bạt. Hơn một tuần sau, biển êm, vợ chồng trẻ mới dẫn nhau vào Đà Nẵng làm mấy mâm ra mắt họ hàng. Cưới xong được địa phương cho đất, gia đình hai bên giúp đỡ, vợ chồng xây căn nhà nhỏ trên đảo. Đứa con trai ra đời làm cho họ thêm ngập tràn hạnh phúc.

Ảnh vợ chồng Hòa- Khải ngày cưới.

Sau 10 năm ở Cù lao Chàm, Chính trị viên Đào Duy Hòa được điều động vào Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, sau đó được đi học ở Học viện Chính trị quân sự 2 năm. Khải cũng gửi con cho ông bà ngoại để vào Hội An học tại chức Đại học Phan Châu Trinh 4 năm. Mối tình “Ngưu Lang, Chức Nữ” bắt đầu. Mỗi lần đi học từ Hà Nội về, Đào Duy Hòa  phải chia làm ba “gói” thời gian: Về Đà Nẵng thăm cha mẹ, ở với vợ tại Hội An và ra đảo thăm con. Thường cả hai vợ chồng cùng đi. Nhưng có lần biển động, không dám để vợ ra cùng, anh bắt tàu, vượt sóng dữ ra thăm con, khiến gia đình vợ ai cũng hoảng hốt.

3 năm nay, về Đồn Biên phòng 661 đóng ở xã Đắc Prinh, H. Nam Giang giáp với H. Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, chuyện thăm nhà của Hòa càng khó. Tính ra cả nghỉ phép và tranh thủ, mỗi năm anh chỉ về khoảng 5-7 lần, vượt qua chặng đường 140 cây số bằng xe máy, sau đó tiếp tục đò ngang. Lần phép mới đây, giải quyết xong công việc ở cụm bản Pêtapooc, anh mới về, cũng là lúc biển nổi sóng. Hàng tuần liền, anh từ Đà Nẵng ra bến Cửa Đại chờ ra đảo vậy mà không thể nào đi được. Biển lặng, ở với nhau không bao lâu thì lại lên đường. Hỏi anh vất vả thế, có bao giờ “tủi thân” không, Hòa cười: “Nhằm nhò gì so với nỗi vất vả của chúng tôi ở huyện vùng biên này. Đặc biệt ở Pêtapooc, một bản vùng sâu, vùng xa, người dân tộc Giẻ Triêng, muốn lên đó, anh em phải đi bộ cả ngày. Nhờ đồn biên phòng, đến nay bộ mặt của bản đã thay đổi hẳn”.

Cô vợ yêu của Hòa bây giờ đã là cán bộ đầy năng lực của UBND xã Tân Hiệp. Cấp trên cũng đã duyệt cho chị vào đất liền công tác, nhưng Khải không đi. Chị nói: “Đằng nào vợ chồng cũng đã xa rồi. Anh ấy trên núi, chưa biết chừng nào về. Có vào Hội An cũng mấy khi gặp nhau. Mà tôi thì đã quen ở biển. Ai cũng vào đất liền hết thì ai ở lại với đảo”.

Hồng Vân