Có phần mềm, phải thêm “phần cứng”
(Cadn.com.vn) - Tin học hay gì mà lại liên quan đến “mềm” với “cứng” ở đây NXD?
- À, mấy bữa ni người dân đang quan tâm đến phần mềm tra cứu lộ trình xe buýt của Đà Nẵng đó.
- Có nghe nói nhưng chưa hiểu cụ thể mềm cứng ra sao? NXD cập nhật cho Tư chợ Hàn biết với.
- Sở GTVT Đà Nẵng vừa hoàn thành phần mềm Danabus trên hệ điều hành Android và iOS để người dân có thể tra cứu lộ trình tuyến, hướng dẫn các tiện ích sử dụng xe buýt trên điện thoại, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Đà Nẵng. Ứng dụng này tạo điều kiện để người dân dễ dàng tra cứu lộ trình tuyến, hướng dẫn các tiện ích sử dụng xe buýt, đặc biệt là loại xe có trợ giá mới đưa vào hoạt động từ cuối năm 2016.
- Rứa tốt rồi, vậy phải thêm “phần cứng” nữa là sao NXD?
- Xe buýt có trợ giá ra đời với mục đích tạo thói quen sử dụng hình thức vận tải công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân vốn được xem là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông nội thành. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động, các tuyến xe này đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nổi bật nhất là phân bố điểm đầu điểm cuối của các tuyến chưa hợp lý, chưa tiếp cận vào các trung tâm thu hút như bến xe, sân bay, nhà ga, trường học. Cạnh đó, khả năng kết nối của các tuyến cũng chưa hợp lý khiến việc di chuyển của người dân còn phiền phức. Có nơi muốn tiếp cận xe buýt phải đi xe ôm hoặc đi bộ một quãng đường dài, như thế rất bất tiện nên họ dù rất muốn cũng không sử dụng được.
- Nghe nói điểm dừng, đỗ cũng có nhiều điều bất hợp lý.
- Ví dụ như một số bến đỗ trùng với nơi đậu đỗ của phương tiện ô-tô cá nhân nên khách muốn xuống hay lên đều... chịu cứng. Do đó, bên cạnh phần mềm ứng dụng Danabus sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận xe buýt thì ngành chức năng cũng cần phải giải quyết các bài toán liên quan đến... phần cứng như trên nữa.
Ngoài phần mềm tra cứu thông tin thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng cho xe buýt nội thành, |
N.X.D