“Con mồi” mới của ông Trump

Thứ tư, 06/03/2019 09:23

Tổng thống Donald Trump hôm 5-3 bất ngờ tuyên bố sẽ chấm dứt cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với Ấn Độ theo GSP, cáo buộc nước này đã đóng cửa không công bằng các doanh nghiệp Mỹ. Động thái này sẽ không cho phép lượng hàng hóa trị giá 5,6 tỷ USD của Ấn Độ xuất sang thị trường Mỹ mà không bị đánh thuế.

Trong lá thư gửi Quốc hội, Tổng thống Trump đã báo hiệu ý định loại bỏ Ấn Độ khỏi chương trình này, nhằm giúp các nước đang phát triển dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ hơn. Chính phủ Ấn Độ “đã không đảm bảo với Mỹ rằng, họ sẽ cung cấp quyền thương mại công bằng và hợp lý vào các thị trường của Ấn Độ”, nội dung lá thư nêu rõ. Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đối mặt với cuộc tổng tuyển cử, giáng thêm đòn nặng vào chiếc ghế của nhà lãnh đạo này, nhất là trong bối cảnh ông phải giải quyết căng thẳng với quốc gia láng giềng Pakistan.

Ông Trump đã liên tục chỉ trích việc Ấn Độ đánh thuế cao vào hàng hóa của Mỹ. Vào tháng 1, ông nhắm mức thuế 150% của Ấn Độ đối với rượu whisky nhập khẩu. Cuối tuần qua, ông Trump chỉ trích Ấn Độ là quốc gia “có mức thuế cao”. Và có thể thấy, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Trump đã nhắm đến “con mồi” mới - đó là Ấn Độ.

Ấn Độ là nước được hưởng ưu đãi nhiều nhất trên thế giới theo chương trình GSP, ra đời vào những năm 1970 để giúp các nước đang phát triển và nghèo cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế. Theo chương trình GSP, Ấn Độ xuất khẩu hàng hóa trị giá 5,6 tỷ USD sang Mỹ mà không bị đánh thuế. Vào thời điểm đó, kinh tế Ấn Độ đang ở tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ với 3,5%. Nhưng năm nay, Ấn Độ đang cạnh tranh vị thế "nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới” với Anh. Và đó là lý do tại sao Mỹ, và đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Trump nói rằng mọi thứ cần phải thay đổi. Các quốc gia không còn là nền kinh tế đang phát triển nên không tiếp tục nhận được cơ chế ưu đãi đặc biệt từ Mỹ, vốn được tạo ra là để giúp họ phát triển - đặc biệt nếu họ không có cơ chế “có qua có lại”.

Thực tế, nếu Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ, đây sẽ là biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với nước này kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi năm 2017. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, Ấn Độ tuyên bố không trả đũa vì thỏa thuận thương mại đặc biệt trên chỉ mang tính biểu tượng. Trong tuyên bố được coi là câu trả lời đáp trả Mỹ, New Delhi cho biết các loại thuế quan của nước này đều nằm trong mức giới hạn theo những cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khẳng định sẵn sàng đàm phán thương mại với Washington.

THANH VĂN