Thông tin tiếp bài viết Hé lộ đường dây đưa lao động “chui” sang Nga:

Còn nhiều người “kẹt” tại Nga

Thứ sáu, 09/08/2013 12:08

(Cadn.com.vn) - Như chúng tôi đã đưa, nhiều lao động ở xã Phú Xuân, H. Phú Vang, TT-Huế sau hơn 1 năm làm việc tại xưởng may T.G ở Nga đã may mắn trở về sau khi gia đình nộp tiền “bảo lãnh”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lao động đang từng giờ, từng phút mong ngóng trở về quê nhưng không thể vì gia đình ở Việt Nam không có tiền nộp.

Gia đình đứng ngồi không yên

Mấy hôm nay, tâm trạng của vợ chồng bà Trần Thị Ngãi và ông Phan Em (trú thôn Ba Lăng, xã Phú Xuân) như ngồi trên lửa khi thấy nhiều thanh niên nam, nữ trong xã qua Nga làm công nhân cùng xưởng với con trai họ lần lượt trở về. Con của bà Ngãi là anh Phan Ngân (23 tuổi), hiện đang làm việc tại xưởng may T.G. Tính đến nay, Ngân đã qua Nga và làm việc tại xưởng này được 14 tháng. “Mấy ngày ni thấy con em lao động cùng chỗ với con mình bỏ về, tui đến hỏi thăm thì mới biết ở bên đó tụi hắn bị bóc lột sức lao động. Vợ chồng tui đánh điện qua cho Ngân thì được biết con mình cũng rơi vào cảnh tương tự” - bà Ngãi ảo não nói.

Trước đây, Ngân từng đi may áo gió ở TPHCM được hơn 4 năm. Giữa năm 2012, khi nghe ông Tuyên nói có người bà con mở xưởng may ở Nga, nếu thích qua đó làm thì ông giúp đỡ nên Ngân đồng ý. Bà Ngãi cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, Ngân gọi điện về nhà, cầu cứu gia đình chuyển vào tài khoản cho một người 50 triệu đồng để Ngân được về nhà. Nhưng đó quả là số tiền quá lớn đối với hoàn cảnh của nhà bà Ngãi nên họ không thể xoay xở được. “Vợ chồng tui rất mong con trở về nhưng không có tiền nộp nên đành chịu...” - bà Ngãi gạt nước mắt.

Bà Trần Thị Ngãi (ngồi) từng phút, từng giờ mong con sớm được trở về.

Ngoài trường hợp lao động Phan Ngân thì ở xưởng may T.G còn có lao động Phan Trường Long (27 tuổi, trú xã Phú Xuân) cũng đang “mắc kẹt” không thể về quê. Bà Phạm Thị Ruộng - mẹ của Long lo lắng: “Mấy đứa ở trong làng về sắp hết rồi, tui lo không biết con mình ở bên đó có bị đánh đập hay hành hạ không nữa. Muốn con về thì phải có tiền “chuộc”, nhưng nhà nghèo lấy mô ra số tiền hàng chục triệu đồng!”.

Ngành chức năng nói gì?

Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH H. Phú Vang, riêng ở huyện có đến 24 trường hợp đi lao động may mặc tại Nga theo kiểu mập mờ. Điều đáng nói là số lao động qua Nga không chỉ là con em của người dân lao động mà có 2 lao động là con em của công chức xã Phú Xuân (một là con của cán bộ tư pháp xã và một là em ruột của cán bộ địa chính xã).

Đặng Rốt - một lao động vừa trở về từ xưởng may T.G mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước cho biết, có một lao động cùng làm trong xưởng với em, trú ở đường Đoàn Hữu Trưng (TP Huế) do quá mệt mỏi nên đã 2 lần bỏ trốn nhưng đều bị người nhà của xưởng phát hiện và lần nào cũng bị đánh đập. Chị em ruột Trần Thị Xuyến và Trần Thị Mới cho biết, từ khi qua Nga, có hôm trời mưa lớn, các lao động được cho nghỉ nên tranh thủ ra phố dạo chơi thì chủ xưởng may dặn dò: nếu gặp cảnh sát thì phải tránh, kẻo bị bắt. Điều khó hiểu này khiến các lao động có chung suy nghĩ họ là những người sống bất hợp pháp tại Nga. Còn theo em Đặng Rốt, trong một lần được nhìn thoáng qua Visa thì em phát hiện chỉ có thời hạn 3 tháng nhưng không hiểu vì sao qua đó ở hơn 1 năm nhưng vẫn không ai hỏi han.

Một số lao động trở về từ xưởng may T.G và người dân xã Phú Xuân rất lo lắng cho những lao động chưa được về nước.

Bà Đặng Thị Lệ - cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của xã Phú Xuân thông tin, việc hàng chục thanh niên sang Nga lao động, chính quyền địa phương không hề hay biết. Bởi từ trước đến nay chưa có đơn vị tuyển dụng nào về làm việc với xã. Theo bà Lệ, số lao động này được ông Tuyên, bà Dung (bà con với chủ xưởng may T.G) dẫn lên TP Huế làm hộ chiếu, còn tất cả hồ sơ thì không biết ai làm. “Việc các thanh niên trong xã qua Nga, tôi có nghe phong phanh nhưng các em đi theo diện nào thì không biết. Đối với những lao động khi trở về quê, khi hỏi đi theo diện nào thì các em cũng không hay biết” - bà Lệ khẳng định.

Ông Trần Chơn Mâng - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH H. Phú Vang thông tin, năm 2011 cũng có một vài trường hợp ở TT-Huế qua nước ngoài lao động “chui” và cơ quan này đã có công văn gửi cho chính quyền xã để tuyên truyền, cảnh báo hình thức đưa lao động “chui” ra nước ngoài. Khoảng cuối năm 2012, tình trạng đưa lao động “chui” ra nước ngoài lại tái diễn. Vì vậy, tháng 9-2012, Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, TP nói rõ, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác xuất khẩu lao động, thông báo tuyển lao động đi nước ngoài bất hợp pháp. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều thông báo tuyển chọn lao động với việc làm ổn định, có thu nhập cao, hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ toàn phần chi phí xuất cảnh... nhằm lừa đảo người lao động. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị tuyển lao động xuất khẩu trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm thông tin và thủ đoạn lừa đảo của các phần tử xấu nhằm nâng cao cảnh giác đối với những đối tượng này.

Trở lại sự việc hàng chục lao động ở xã Phú Xuân vừa trở về từ xưởng may T.G, ông Hoàng Văn Phước - Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế) khẳng định đó chính là đường dây đưa lao động “chui” sang Nga. Bởi theo ông Phước thì trong vòng 5 năm trở lại đây, cơ quan này không hề làm việc với cơ quan tuyển dụng nào đưa lao động đi Nga. “Những lao động này chắc chắn đi theo diện bảo lãnh du lịch, visa với thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, khi hết thời hạn thì chủ lao động tạo điều kiện cho họ ở lại bất hợp pháp và lợi dụng để bóc lột sức lao động”. Theo ông Phước, số nạn nhân bị lừa đi lao động “chui” ở Nga không chỉ dừng lại ở xã Phú Xuân mà còn ở một số xã khác trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Hiện, Sở LĐ-TB&XH đang vào cuộc điều tra làm rõ.

Hải Lan