Công dân Mỹ trở thành Tổng thống Somalia
(Cadn.com.vn) - Quốc hội Somalia hôm 9-2 đã bầu cựu Thủ tướng Mohamed Abdullahi Mohamed, biệt danh là Farmajo, mang hai quốc tịch Mỹ và Somalia làm Tổng thống mới của nước này. Thách thức chính mà ông Farmajo phải đối mặt là nhận được sự ủng hộ của các thành viên liên bang, xóa nạn tham nhũng và cải thiện an ninh.
Vì lo ngại an ninh, Somalia không tổ chức bầu cử. Thay vào đó, 328 nghị sĩ Quốc hội tập trung tại một căn cứ không quân ở thủ đô Mogadishu và bỏ phiếu bầu tổng thống. Tổng thống đương nhiệm Hassan Sheikh Mohamud, người lên nắm quyền vào năm 2012, đã rút khỏi cuộc bỏ phiếu cuối cùng sau khi để thua ông Farmajo ở vòng bỏ phiếu thứ hai với số phiếu 184-97. Chiến thắng của ông Farmajo được chào đón bằng tiếng súng ăn mừng tại nhiều khu vực do chính phủ kiểm soát.
Tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed nhậm chức trong bối cảnh Somalia đối mặt |
Sống ở New York
Ông Farmajo, 54 tuổi, sinh ra ở Mogadishu. Ông làm việc tại Đại sứ quán Somalia ở Washington giữa những năm 1980, sau đó quyết định ở lại Mỹ vì khi đó Somalia đang bất ổn chính trị. Ông Farmajo chuyển đến Buffalo, bang New York vì nơi này có đông cộng đồng người tị nạn Somalia sinh sống. Trong giai đoạn đó, ông Farmajo làm việc tại Cơ quan Nhà ở Đô thị Buffalo và sau đó là Cơ quan đối ngoại của bang New York. Ông Farmajo nhận bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học bang New York.
Năm 2010, Tổng thống Somalia khi đó là Sheikh Sharif Ahmed đề nghị ông Farmajo quay về Somalia làm Thủ tướng. Sau một thời gian ngắn giữ vị trí này, ông Farmajo đã từ chức vì bất đồng với Tổng thống Ahmed. Mang hai quốc tịch Mỹ và Somalia, ông Mohamed từ Mỹ trở về nước hồi năm ngoái và tuyên bố tranh cử Tổng thống.
Khủng bố và nạn đói
Ông Farmajo đối mặt với rất nhiều thách thức nhất là Somalia bị Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt vào danh sách 7 nước Hồi giáo bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Tăng cường lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia có lẽ là thách thức đầu tiên của ông Farmajo. “Câu hỏi đặt ra là liệu ông Farmajo có nhận được sự ủng hộ của các thành viên liên bang hay không. Nếu có, Somalia sẽ di chuyển đúng hướng và các tổ chức của chính phủ sẽ được mở rộng và ngày càng tăng thêm tính hợp pháp. Nếu ông ấy mâu thuẫn với các nghị sĩ, căng thẳng chính trị hoặc khủng hoảng có thể xảy ra, và chúng ta sẽ mất nhiều thời gian trong việc xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và các khu vực”, ông Matt Bryden, Giám đốc tổ chức nghiên cứu về Somalia, Sahan, cho biết.
Thất bại lớn của Somalia cho đến nay là vấn đề an ninh, và sự bất lực của chính quyền trung ương trong việc thành lập một lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia đáng tin cậy và hiệu quả có thể chống lại các mối đe dọa của nhóm phiến quân Al-Shabab. Các phần tử Hồi giáo này đã thực hiện nhiều vụ đánh bom tự sát lớn và các cuộc tấn công vũ trang phức tạp ở Mogadishu, cũng như các cuộc tấn công quy mô lớn vào các căn cứ quân sự nước ngoài tại các vùng nông thôn.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên minh Châu Phi (Amisom) có thể đẩy lui Al-Shabab khỏi các thị trấn và làng mạc, nhưng nhóm phiến quân này chỉ có thể bị chính Somalia đánh bại. “Cuộc chiến chống Al-Shabab thực sự là công cuộc xây dựng cấu trúc nhà nước và chính phủ”, ông Bryden nhận định.
Tham nhũng cũng là vấn đề cần phải được giải quyết bằng một bàn tay rắn chắc. Marqaati, tổ chức phi chính phủ Somalia, đã chỉ trích quá trình bầu cử vừa qua. “Năm 2016 là năm tồi tệ nhất đối với trách nhiệm giải trình ở Somalia khi các “diễn viên chính trị” tìm cách sử dụng bất cứ phương tiện nào có thể để giành chiến thắng trong quá trình bầu cử gián tiếp”, báo cáo gần đây Marqaati cho biết. Theo đó, một số ứng viên tổng thống đã trả 50.000-100.000 USD để các nghị sĩ bỏ phiếu cho họ.
An Bình
(Theo BBC, CNN)