Công nhân Đà Nẵng: Nhọc nhằn chuyện mưu sinh (2)

Thứ tư, 10/06/2015 11:30

* Kỳ cuối: Đối phó với “chiêu trò” của doanh nghiệp

(Cadn.com.vn) - Theo số liệu từ Công đoàn các KCN và chế xuất Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có hơn 52.000 công nhân, trong đó chiếm tỷ lệ hơn 80% là phụ nữ. Chính vì vậy, ngoài vấn đề cơm, áo, gạo, tiền ra, thì vấn đề bảo hiểm liên quan đến thai sản, ốm đau cũng như chế độ chính sách người lao động được xem là sát sườn với họ. Tuy nhiên, thái độ của người lao động lẫn người sử dụng lao động lại rất thờ ơ, xem nhẹ hoặc cố tình bỏ qua vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho biết, đa số cán bộ công đoàn cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm và nắm được nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp tiếp tục còn khó khăn, việc làm, thu nhập của người lao động thiếu ổn định. Một số doanh nghiệp giảm lao động và cho thuê mặt bằng, thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt là nhận thức pháp luật về lao động của người lao động, nhất là người lao động được tuyển dụng mới chưa cao, vẫn còn nhiều trường hợp tự ý bỏ việc, khi xảy ra tranh chấp, thiếu cơ sở pháp lý để công đoàn cấp trên tham gia bảo vệ... Hiện nay công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chủ yếu là người dân vùng ven, với nhu cầu chỉ kiếm thêm chút thu nhập nên không quan tâm đến các luật, đặc biệt là luật lao động. Nắm bắt tình hình này, nhiều chủ doanh nghiệp đã sắp xếp thời gian hợp lý để công nhân có thể làm việc nhưng lại bỏ qua các chế độ bảo hiểm theo quy định. Đến khi gặp việc thì...

Các DN luôn tìm cách cắt giảm các khoản, chậm nộp các khoản bảo hiểm.

D.T.Q (công nhân Cty K.M, KCN Hòa Khánh) kể, chị xin phép nghỉ 2 ngày để chăm sóc mẹ đau ốm, nhưng do bệnh chưa thuyên giảm nên phải nghỉ thêm thời gian nữa. Vì lý do công việc dây chuyền không thể chậm trễ, Cty đã ra quyết định cho thôi việc và yêu cầu chị Q. phải bồi thường 6 triệu đồng về khoản thiệt hại sản phẩm trong thời gian chị nghỉ thêm. Đến lúc này, chị phải nhờ Công đoàn TP thương lượng, lãnh đạo Cty mới thôi không đuổi việc và không xử phạt chị Q... Một số chủ doanh nghiệp tăng cường, huy động công nhân làm ngoài giờ, hứa sẽ thưởng nhưng đến khi hợp đồng hoàn thành thì tìm cách bớt tiền đi hoặc trả bằng những thứ khác.

Bên cạnh đó là hợp đồng kiểu thời vụ, có hợp đồng thì huy động công nhân vào làm nhưng khi xong hợp đồng thì bảo thử việc không đạt yêu cầu rồi tìm cách “thanh lý”... Ngoài ra, là những "chiêu" khác như: tăng lương nhưng cắt giảm các khoản phụ cấp, hạ bậc thợ, trừ tiền vô lý để giảm lương. Đặc biệt là kêu gọi các công nhân có “thâm niên” nghỉ việc trước tuổi hưu nhận tiền một lần để tuyển nhân sự mới- điều này sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Vì thế, quan hệ giữa doanh nghiệp và công nhân luôn xảy ra mâu thuẫn. Tại KCN Hòa Khánh và KCN Liên Chiểu thường xảy ra tình trạng đình công, lãng công do chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm, nợ lương, chậm lương cho công nhân.

Thêm vào đó, rất nhiều công nhân không hiểu luật nên bị người sử dụng lao động qua mặt, hoặc vô tình vi phạm luật để đến khi vụ việc vỡ lở không thể xử lý được. Điển hình nhất là vụ Cty TPO- một cty may mặc của Hàn Quốc đang nợ tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của công nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, quyền lợi công nhân. Trước đó là vụ Cty Thành Chung- một Cty khác của Hàn Quốc kinh doanh nhỏ lẻ đã giải thể đột ngột do bất đồng trong điều hành doanh nghiệp khiến hàng loạt công nhân phải mất việc.

Việc doanh nghiệp cho công nhân nghỉ rồi nợ tiền lương chưa trả nổi bật nhất là Cty FNT- Sx xe thể thao đã nghỉ nhưng gần 100 triệu đồng tiền lương của công nhân chưa thanh toán. Trước đây 2 vụ việc đình đám khác là vụ Cty CP công nghiệp hóa chất Đà Nẵng với công nhân Lê Lộc, ông Lê Lộc thắng kiện sau bao nhiêu năm kiện tụng, quá mất thời gian. Tiếp đó là vụ Cty CPTMDV Đà Nẵng với 12 công nhân khác cũng mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc vì kiện tụng...

Công nhân nên tìm cách theo học các lớp luật hoặc tự tìm hiểu để đảm bảo quyền lợi của mình.

Tính trung bình thu nhập của công nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ từ 2- 3 triệu đồng/tháng/người. Qua đây người viết mong rằng người lao động cũng như người sử dụng lao động nên quan tâm đến các bộ luật thiết thực với chính bản thân mình, đặc biệt là luật lao động, bảo hiểm, tiền lương... tránh để nước đến chân mới “cò” thì nhiều khi “tiền mất, tật mang” mà vẫn không đảm bảo được quyền lợi của mình. Chính vì lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thông tin của người lao động, các chủ doanh nghiệp hay bộ phận tiền lương, bảo hiểm đã tìm cách để làm lợi cho mình.

P.V