Công tác văn hóa, thể thao và du lịch TP Đà Nẵng: Có khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn
(Cadn.com.vn) - Trong khi lĩnh vực văn hóa, thể thao không tạo được nhiều dấu ấn thì năm 2013 là một năm mà du lịch Đà Nẵng được chấm điểm cộng với nhiều đột phá nổi bật. Đó là nhận xét được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai chương trình công tác năm 2014 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 18-2.
Đồng chí Văn Hữu Chiến tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn năm 2013. |
DU LỊCH “PHÁ SÂU KỶ LỤC”
Trong 3 lĩnh vực thì có thể coi du lịch là lĩnh vực duy nhất đạt điểm cộng với việc phá sâu kỷ lục, đạt những thành tích nổi bật, góp phần quan trọng cho việc cán đích những chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Năm 2013, lần đầu tiên Đà Nẵng đón 3.117.558 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 17,2% so với năm 2012). Trong đó khách quốc tế đạt 743.183 lượt (tăng 17,8%), khách nội địa đạt 2.347.375 lượt (tăng 17%). Ngành du lịch mang về 7.748 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước. Nhờ những đột phá trong công tác xúc tiến, quảng bá, lĩnh vực này cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ với việc đón 92 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa mang theo 102.465 lượt khách đến Đà Nẵng. Cả số chuyến tàu và lượng khách quốc tế đến thành phố biển bằng con đường này đều tăng gần gấp đôi so với năm 2012.
Tính đến cuối năm 2013, có tất cả 16 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 4 đường bay trực tiếp thường kỳ và 12 đường bay trực tiếp thuê chuyến, tăng 8 đường bay so với năm 2012. Cạnh đó, đã có tổng cộng 61 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn 121,523 tỷ đồng, trong đó 12 dự án đầu tư nước ngoài và 49 dự án đầu tư trong nước. Trong năm qua, Đà Nẵng cũng nổi tiếng với việc trình làng tuyến cáp treo Bà Nà thứ 3 đạt 4 kỷ lục cùng nhiều cây cầu “Made in Sông Hàn”. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental được bình chọn là Khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, Sân Golf Đà Nẵng đứng đầu các sân golf Việt Nam về chất lượng. Với nhiều điểm nhấn nổi bật, Đà Nẵng cũng được Smart Travel Asia – Tạp chí du lịch trực tuyến uy tín hàng đầu Châu Á bình chọn vào Top 10 điểm đến hàng đầu châu lục.
Năm 2013 là năm đột phá của du lịch Đà Nẵng với việc lần đầu tiên đón 3.117.558 lượt khách đến tham quan. |
VĂN HÓA, THỂ THAO CÓ “ĐA” NHƯNG THIẾU “TINH”
Thực ra, nếu không quá khắt khe thì cũng có thể điểm mặt nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của Đà Nẵng để lại dấu ấn trong năm 2013. Đó là sức hút của cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC2013 thu hút gần 400.000 lượt khách; cuộc thi Marathon quốc tế với sự tham gia của 3.200 vận động viên; Giải Dù lượn; Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công các sự kiện như Cuộc thi Robocon Việt Nam, Robocon Châu Á – Thái Bình Dương, triển lãm mỹ thuật miền Trung – Tây Nguyên, Lễ hội Chào năm mới, đường hoa xuân…
Cũng trong thời gian này, lượt khách tham quan 2 bảo tàng lớn của thành phố là Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đã tăng mạnh, mang về nguồn thu 5,6 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2012. Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các sự kiện, đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, UBND TP Đà Nẵng tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể, tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 8 cá nhân, tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố cho 2 cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tặng Cờ thi đua cho 1 tập thể, tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 8 cá nhân khác. |
Tuy vậy, khách quan mà nói, trong nhiều năm việc đầu tư cho lĩnh vực này còn quá khiêm tốn. Hoạt động tầm cỡ có hạn, nhiều dự án nằm trên giấy trong một thời gian dài, thiết chế văn hóa cơ sở “nằm im”, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu thốn… đã khiến thành phố được xem là thủ phủ của miền Trung có mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nằm ở top sau của cả nước, đứng dưới cả những địa phương miền núi, trung du. Chuyện này, chính Bí thư Thành ủy Trần Thọ trong một cuộc làm việc với Sở cũng đã “cảnh báo”.
Trong năm 2013, đoàn thể thao TP Đà Nẵng tham gia thi đấu tổng cộng 133 giải, 928 giải quốc tế, 105 giải trong nước và khu vực, mang về 175 huy chương vàng, 143 huy chương bạc, 230 huy chương đồng. Thế nhưng có vẻ những con số đó chưa làm người hâm mộ “sướng” lắm là bởi, số lượng huy chương ở các giải đấu tầm cỡ không nhiều. Ngoài một số cái tên quen thuộc như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, Trương Thị Nhớ, Doãn Thị Hương Giang, Trần Ngọc Tuân…, Đà Nẵng chưa xuất hiện thêm những “búp măng” nào đáng chú ý. Bóng đá thu hút sự quan tâm nhất của người dân thì bị soán ngôi vương, lực lượng vận động viên có thể coi là tạm ổn chỉ đóng góp cho thể thao nước nhà 1 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại SEA Games 27…
Nói cách khác thì văn hóa có nhiều sự kiện, không ít chương trình nhưng để tìm ra cái “đóng đinh” bản sắc thì cũng khó. Thể thao cũng vậy, người hâm mộ và cả chính những người trong cuộc vẫn chưa thể hài lòng.
“DỄ LẤY HÌNH ẢNH NHƯNG CŨNG DỄ LÀM MẤT HÌNH ẢNH”
Đó là phát biểu của đồng chí Văn Hữu Chiến–Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong phần chỉ đạo đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí khẳng định rằng, trong việc đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của thành phố có dấu ấn rất đậm nét của “bộ 3” này. Nhiều năm nay, khách du lịch và nhà đầu tư rất có thiện cảm với Đà Nẵng, mà những yếu tố để lại ấn tượng với họ đầu tiên là nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cũng như môi trường du lịch. “Đà Nẵng đã gặt hái nhiều thành công trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhưng chúng ta không được thỏa mãn với những danh hiệu và thương hiệu. Vì lĩnh vực này khởi sắc sẽ rất dễ lấy hình ảnh trong lòng du khách, nhà đầu tư nhưng nếu xuất hiện những yếu kém, những “hạt sạn”, những phiền toái thì cũng chính nó sẽ làm mất hình ảnh mà ta không dễ có được”, đồng chí Văn Hữu Chiến nói.
Để nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò chủ công phải vực dậy công năng của các thiết chế văn hóa cơ sở, bắt tay đầu tư mới các công trình mang tính biểu tượng đã trở thành niềm khao khát của người dân bấy lâu nay. Trong khi đó, lĩnh vực thể thao phải có chiến lược đầu tư dài hơi để có đội ngũ vận động viên kế cận khi các tên tuổi bước qua thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Ngành Du lịch cũng không vì những thành tích nổi bật mà quên những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là quảng bá, xúc tiến du lịch Đà Nẵng ra thị trường quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chấm dứt hiện tượng chèo kéo, bu bám cũng như “chặt chém” khiến du khách một đi không trở lại.
Công Khanh