COP21 và Trung Quốc

Thứ ba, 24/11/2015 08:19

(Cadn.com.vn) - Khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp về thủ đô Paris của Pháp, từ ngày 30-11 đến 11-12, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Về biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21), áp lực đặt lên vai Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc - quốc gia có lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới nhưng lâu nay vẫn luôn từ chối đề ra bất kỳ mục tiêu chắc chắn nào cho việc cắt giảm lượng khí thải này.

Nhưng trong bối cảnh nhiều thành phố lớn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đã đến lúc, Trung Quốc phải tạo bước đột phá trên con đường chống biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn bộ trái đất. Trên thực tế, Trung Quốc cho đến nay vẫn là nhà đầu tư lớn nhất cho các dự án nguồn năng lượng tái tạo và đang chuyển động nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác để chuyển đổi nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong một tuyên bố mới đây cũng cho rằng, "hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của Trung Quốc". Hiện nay "nền kinh tế xanh" là một trong những trụ cột của kế hoạch 5 năm mà chính quyền Bắc Kinh đặt ra. Tại sao vậy? "Bởi vì họ đang lắng nghe tiếng nói của người dân, những người thực sự muốn hít thở không khí trong lành hơn", một chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, còn rất nhiều điều mà chính quyền Bắc Kinh phải làm để "lọc sạch không khí" ngoài việc gia tăng nguồn năng lượng hiệu quả và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đến với COP21 lần này, Trung Quốc mang đến cam kết sẽ giảm khí thải carbon đến hạn chót vào khoảng năm 2030 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới muốn đạt thỏa thuận ràng buộc để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đủ để giữ cho nhiệt độ trái đất chỉ tăng ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Bắc Kinh đã cam kết sẽ gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo ở mức 20% hỗn hợp năng lượng sơ cấp của nước này vào năm 2030, nhằm giảm lượng khí carbon và đẩy mạnh trồng rừng. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi. Họ cho rằng, những mục tiêu mà các nước lớn, gồm cả Trung Quốc và Mỹ - hai nước phát khí thải lớn nhất thế giới - đặt ra cũng không đủ để giữ sự ấm lên toàn cầu dưới 2 độ C.

Với 196 nước tham dự, người ta hy vọng hội nghị sẽ đi đến một thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Nhưng do thiếu trước hành động trên quy ước, và có lẽ do quá nhiều thách thức, câu hỏi đặt ra là ngay cả khi đạt được thỏa thuận, các chính sách này liệu sẽ có tác động lớn hoặc có thể tạo sự thay đổi lâu dài hay không?

Thanh Văn