Covid-19 “hồi sinh”, Mỹ như “ngồi trên đống lửa”

Thứ tư, 01/07/2020 13:07

Thống đốc bang Arizona ở Mỹ đã đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và công viên nước từ hôm 29-6 (giờ địa phương) trong khi lãnh đạo ở một số bang yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đánh dấu một cuộc đảo ngược kịch tính trong bối cảnh Covid-19 hồi sinh đáng sợ trên khắp thế giới.

Cho đến ngày 30-6, thế giới ghi nhận gần 10,4 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 507.518 ca tử vong. Trong khi đó, số ca được chữa khỏi bệnh là hơn 5,6 triệu người.

Người dân Mỹ được xét nghiệm Covid-19 ngay trên ô-tô hôm 27-6. Ảnh: AP

Luôn ở mức hơn 40.000 ca/ngày

Tại Mỹ, theo Worldometers, số ca Covid-19 trong ngày tại các bang của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất sau nhiều tháng nỗ lực thực thi các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng không áp dụng đồng đều trên cả nước. Trong 6 ngày qua, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao chưa từng có, luôn ở mức hơn 40.000. Trong 24 giờ qua, Mỹ phát hiện thêm hơn 41.000 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc lên gần 2,7 triệu ca, trong đó có gần 129.000 người tử vong.

Trong số những bang thực hiện yêu cầu đeo khẩu trang là thành phố Jacksonville, Florida, nơi Tổng thống Donald Trump - người kiên quyết phản đối việc này - có thể sẽ sớm chấp nhận đề nghị của đảng Cộng hòa. Ông Trump không đeo khẩu trang trong các chuyến thăm tới các tiểu bang và các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Thống đốc bang Arizona, Doug Ducey thông báo, lệnh có hiệu lực ngay lập tức và trong ít nhất 30 ngày. Thống đốc Ducey cũng ra lệnh cho các trường công lập hoãn việc mở cửa lại các lớp học cho đến ít nhất là ngày 17-8. Hầu hết các quán bar và câu lạc bộ đêm ở Arizona đã được mở trở lại sau khi lệnh yêu cầu ở lại và đóng cửa kinh doanh hết hạn vào giữa tháng 5.

Các quan chức y tế Arizona báo cáo thêm 3.858 ca Covid-19 được xác nhận vào hôm 28-6, con số nhiều nhất trong một ngày tại bang này và lần thứ bảy trong 10 ngày qua đã vượt qua mốc hơn 3.000. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, 74.500 ca  mắc và 1.588 người tử vong do Covid-19 đã được báo cáo ở Arizona. “Vấn đề của chúng tôi là theo dự đoán số ca nhiễm vào tuần tới sẽ còn tồi tệ hơn”, ông Duc Ducey nói với AP. Arizona “không đơn độc” trong chiến dịch đảo ngược lần này. Những nơi như Texas, Florida và California cũng đang quay trở lại, đóng cửa các bãi biển và quán bar trong bối cảnh Covid-19 đang “hồi sinh”. Tại New Jersey, Thống đốc Phil Murphy hôm 30-6 tuyên bố trì hoãn việc khởi động lại “bữa ăn tối trong nhà” vì mọi người không đeo mặt nạ hoặc tuân thủ các khuyến nghị giãn cách xã hội. New Jersey đã dần mở cửa trở lại nhưng hôm 29-6, các trung tâm mua sắm trong nhà vẫn dè chừng. Các thống đốc ở Oregon và Kansas cũng cho biết, sẽ yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tiểu bang Idaho đang đi theo một hướng khác, ít nhất là khi nói đến cuộc bầu cử. Bất chấp sự lây lan của Covid-19, các quan chức bầu cử tiểu bang này cho biết sẽ cho phép bỏ phiếu trực tiếp cho các cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 8 và cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. Tại Texas, một nhóm chủ quán bar kiện Thống đốc Greg Abbott của đảng Idaho vì đóng cửa doanh nghiệp của họ quá nhiều ngày. Họ cho rằng thống đốc Abbott không có thẩm quyền, và phàn nàn rằng các doanh nghiệp khác, như tiệm làm móng và xưởng xăm, vẫn mở. Nhưng Thống đốc New York Andrew Cuomo nói rằng, người đồng cấp Abbott đang đi đúng hướng, và nhấn mạnh, Tổng thống Trump cần ra lệnh yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.

Đại dịch “chưa gần đến hồi kết thúc”

Những con số và diễn biến trên cho thấy, Mỹ vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, tiếp đó là Brazil với gần 1,4 triệu ca mắc và hơn 58.000 ca tử vong, Nga với gần 642.000 ca mắc và gần 9.200 ca tử vong... Khu vực Mỹ Latinh vẫn là một điểm nóng trên thế giới khi chứng kiến số ca mắc trong 1 tháng qua tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người.

Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc ở các nước Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador vẫn tiếp tục tăng mạnh. Tại Châu Âu, Liên minh Châu Âu (EU) muốn dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với công dân của 14 quốc gia từ ngày 1-7 bao gồm Algeria, Australia, Gruzia, Nhật Bản, Canada, Morocco, Montenegro, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay. Tuy nhiên, các hạn chế nhập cảnh chỉ được dỡ bỏ nếu các nước này cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Đức cũng như công dân các nước EU. Theo đề xuất của EU, số ca mới trong 2 tuần vừa qua sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với công dân của quốc gia đó. Ngoài ra, cách ứng phó của quốc gia với đại dịch cũng sẽ đóng một vai trò trong quá trình xem xét. Một trong những tiêu chí là số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 2 tuần phải đạt dưới mức 16 người, tương đương mức trung bình của EU.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Châu Phi diễn biến phức tạp sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, với khu vực miền là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Nam Phi ghi nhận hơn 144.000 ca mắc bệnh và hơn 2.500 ca tử vong. Theo Giám đốc của CDC Châu Phi, Ông John Nkengasong, kể từ tuần trước, số ca mắc Covid-19 tại châu Phi đã bắt đầu tăng nhanh sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp cách ly với mong muốn sớm khôi phục nền kinh tế.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, 6 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “thậm chí chưa gần đến hồi kết thúc”. Ông Ghebreyesus thông báo, WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này.

KHẢ ANH