Cử chỉ thiện chí của Mỹ đối với Palestine

Thứ sáu, 09/04/2021 17:00

Thêm một dấu hiệu cho thấy chính quyền mới tại Mỹ ủng hộ người dân Palestine trong các nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước, ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo quyết định nối lại viện trợ cho Palestine ở mức 235 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo quyết định nối lại viện trợ cho Palestine ở mức 235 triệu USD. Ảnh: Reuters

Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ trong khoản tiền trên, Mỹ sẽ đóng góp 150 triệu USD cho Cơ quan LHQ cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), viện trợ 75 triệu USD để hỗ trợ kinh tế và phát triển tại Bờ Tây cùng Dải Gaza và 10 triệu USD cho những nỗ lực xây dựng hòa bình. Theo Tổng thống Biden, khoản viện trợ này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường ổn định, an ninh và hiểu biết giữa Israel và Palestine.

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ trong cuộc điện đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Biden đã tái khẳng định việc Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định sự hỗ trợ của Washington đối với người dân Palestine đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích và giá trị của Mỹ, đồng thời coi đây là công cụ để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.

Palestine hoan nghênh, Israel chỉ trích

Cơ quan LHQ cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) và Liên LHQ đều lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ, kêu gọi các nước làm theo.

Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh bày tỏ Palestine đang rất kỳ vọng vào việc nối lại không chỉ viện trợ tài chính mà còn cả các mối quan hệ chính trị với Mỹ, giúp nhân dân Palestine đạt được quyền lợi hợp pháp của một nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết trong suốt hơn một năm qua, Palestine đã không nhận được viện trợ tài chính từ bất kỳ quốc gia Arab nào, vốn vào khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Do thiếu sự hỗ trợ của các nước Arab và việc Mỹ đình chỉ hỗ trợ tài chính, ngân sách của Palestine bị thiếu hụt tới 1 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành, chính quyền Palestine đã sẵn sàng áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", giảm chi phí vận hành nhưng vẫn ưu tiên đảm bảo an toàn, sức khỏe, an ninh của người dân cũng như duy trì chương trình giáo dục.

Lâu nay, Israel vẫn từ chối đóng góp cho UNRWA - cơ quan cung cấp nhà ở, trường học và các hình thức hỗ trợ khác cho hơn 6 triệu người tị nạn Palestine và thân nhân của họ - với lý do chương trình giáo dục tại các trường của LHQ có nội dung chống Nhà nước Do Thái. Trong tuyên bố mới nhất, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan đã phản đối quyết định nối lại viện trợ cho UNRWA mà không đảm bảo một số cải cách, bao gồm chấm dứt việc kích động và dỡ bỏ nội dung bài Do Thái trong chương trình giáo dục.

Đại sứ Israel tại Mỹ và LHQ Gilad Erdan cũng cho rằng, việc Mỹ nối lại hỗ trợ cho Cơ quan này có thể làm gia tăng xung đột. Đại sứ Erdan nói: "Israel phản đối mạnh mẽ các hành động chống Israel và bài người Do Thái trong Cơ quan cứu trợ nhân đạo của LHQ cho người tị nạn Palestine. Cơ quan này không thể tiếp tục tồn tại với mô hình hiện nay. Trong cuộc thảo luận với Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi đã bày tỏ thất vọng và phản đối quyết định nối lại viện trợ, mà không kèm theo điều kiện cải cách nhất định nào".

Palestine "nên được hưởng những tiêu chuẩn công bằng"

Đáp lại chỉ trích của Israel, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Mỹ đã theo sát hoạt động của UNRWA một cách nghiêm túc và giờ đây Washington sẽ thể hiện vai trò trên bàn đàm phán. Số tiền viện trợ mới nhất vẫn thấp hơn con số 355 triệu USD mà Mỹ đóng góp cho UNRWA vào năm 2016. Mỹ cũng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA vào thời điểm đó. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Price cũng không loại trừ việc nước này sẽ tiếp tục đóng góp, song cho biết Washington đang khuyến khích các nhà tài trợ ủng hộ thêm.

Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ Palestine 15 triệu USD để phòng chống dịch COVID-19. Đây là khoản viện trợ nhân đạo đầu tiên cho Palestine kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Quyết định trên cho thấy thiện chí của chính quyền Tổng thống Biden trong việc khôi phục quan hệ với Palestine kể từ khi chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump cắt đứt quan hệ với Palestine hồi năm 2018. Ngoài việc nối lại viện trợ, Washington cũng có kế hoạch mở lại cơ quan đại diện ngoại giao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và hỗ trợ tiến trình hòa đàm giữa Israel với Palestine để đạt được giải pháp hai nhà nước.

Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric đã hoan nghênh quyết định của Mỹ, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng quyết định trên đã gửi đi thông điệp đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu cứu trợ nhân đạo gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước đó, hôm 2-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Israel đảm bảo đối xử công bằng với những người Palestine bởi chính quyền mới của Mỹ đang tăng cường một cách thận trọng những nỗ lực hướng tới giải pháp 2 nhà nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi, Ngoại trưởng Bliken đã "nhấn mạnh tới niềm tin của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng, người Israel và Palestine nên được hưởng những tiêu chuẩn công bằng về tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ".

AN BÌNH