Cụ Huỳnh-một đời cùng vận nước (2)
* Bài 2: Một đời cùng vận nước
(Cadn.com.vn) - Từ lúc được bầu vào Viện dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh đã tận dụng điều này để đấu tranh trực tiếp với chính quyền Pháp để yêu sách những quyền lợi chính đáng cho người dân. Tuy nhiên, cụ Huỳnh sớm nhận thấy, cái Viện dân biểu ấy chẳng khác nào bù nhìn. Trong một tờ thông tri gởi Viện dân biểu Trung kỳ, Toàn quyền Pháp có những lời lẽ làm nhục đến toàn thể cả Viện nên các nghị sĩ mới phản kháng. Lúc đó, chính quyền Pháp hứa sẽ không để xảy ra điều tương tự. Trước sự việc này cụ Huỳnh nhận xét: "Dầu quan Toàn quyền có lời hứa, song nhân đó tôi càng nhìn rõ quyền hạn của Viện là "zéro" nên một mực chăm mở tờ báo hơn là việc Viện". Sau khi trả tự do cho cụ Huỳnh từ nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp hy vọng việc đưa cụ vào Viện dân biểu Trung kỳ hay cho mở tờ báo, để dùng uy tín cụ mà thu phục nhân sĩ trí thức. Tuy nhiên, chúng không biết chức vị và tiền tài không thể nào làm lung lay ý chí cụ Huỳnh. Trong cuốn sách của mình, ông Phạm Ngô Minh sưu tập một câu chuyện hay về cụ Huỳnh. Số là trong bữa cơm gia đình, vợ cụ Huỳnh đưa trái chanh để cụ cắt bỏ vào mắm, cụ cắt ngay chính giữa, thấy thế cụ bà liền nói "Ông cắt xiên xiên, chứ cắt vậy làm sao có nước", cụ Huỳnh gắt: "Tôi cắt chính vậy, đời tôi không biết xiên".
Vào cuối năm 1945, khi đang là chủ bút báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận được điện của Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên phải mất nhiều thời gian, Bác Hồ mới thuyết phục được cụ Huỳnh tham gia Chính phủ. Khi cụ Huỳnh ra Hà Nội, Bác Hồ đề nghị cụ Huỳnh nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì cụ Huỳnh trả lời: "Tôi ra đây là cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn!". Hôm sau Bác Hồ gọi riêng ông Nguyễn Xương Thái (thư ký của cụ Huỳnh) ra và nói: "Chú thưa với cụ Huỳnh, khi xưa làm quan là hưởng đỉnh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước, gọi là công bộc của dân. Chú cũng nói Cụ biết là bọn Lư Hán còn đóng ở đây, chúng biết trong Chính phủ ta có 1 vị tiến sĩ văn chương như Cụ, chúng cũng trọng. Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin Cụ hy sinh thêm. Nay mai sẽ có hội nghị liên tịch, các chính đảng sẽ mời Cụ". Sau đó cụ Huỳnh mới đồng ý nhận lời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Quốc hội thông qua danh sách chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị. Lúc giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Bác nhấn mạnh: "Giữ chức Bộ Nội vụ, một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!".
Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc ra mắt Chính phủ. |
Từ khi ra Hà Nội, Bác Hồ và cụ Huỳnh như những người bạn tri kỷ. Bác luôn hỏi han, săn sóc sức khỏe, có món gì ngon cũng mang biếu cụ Huỳnh. Có nhiều câu chuyện đời thường rất dí dỏm về cụ Huỳnh và Bác. Vào năm 1946, cụ Huỳnh ứng tác 2 câu thơ để "nhắc nhở" Bác về việc lấy vợ: "Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già - Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không?". Bác Hồ chỉ cười không nói gì. Thế rồi trong chuyến sang Pháp năm ấy, trong các điện văn gửi về Việt Nam, Bác có bài thơ riêng gửi cụ Huỳnh như sau: "Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời/ Nhớ cụ Huỳnh lắm cụ Huỳnh ơi!/Non sông một gánh chung nhau gánh/Độc lập xong rồi cưới vợ thôi!".
Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm hữu nghị nước Pháp theo lời của chính phủ Pháp. Hồ Chủ tịch ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng. Lúc này, tình hình trong nước vô cùng phức tạp. Bọn Tàu Tưởng đứng sau bọn Việt Nam quốc dân đảng âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ của ta. Trong thời gian này, với tư cách là quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã kiên quyết xử lý vụ án Ôn Như Hầu. Hôm ấy, cụ Huỳnh cùng ông Võ Nguyên Giáp đến căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, trụ sở của bọn Việt Nam quốc dân đảng. Tại đây, Cụ đã chứng kiến một sự thật rùng rợn khi bọn Quốc dân đảng tổ chức bắt cóc và giết người để tống tiền hoặc giết hại cán bộ ta. Cụ Huỳnh hết sức phẫn nộ, ra lệnh bắt giam tất cả bọn chúng để trị tội. Vài ngày sau, mấy người trong Việt Nam quốc dân đảng kéo tới Bắc Bộ phủ xin gặp cụ Huỳnh để thanh minh. Lúc gặp chúng, cụ Huỳnh chỉ gậy vào mặt quát to: "Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia gì? Dân tộc gì lũ chúng mày!".
Tờ báo Kiến Thiết đăng bức điện cuối cùng của cụ Huỳnh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Huỳnh được Hồ Chủ tịch cử đi kinh lý miền Trung và Nam Trung Bộ với danh nghĩa đại diện Chính phủ Trung ương. Vào tháng 4-1947, tại Quảng Ngãi, nhiều nhân sĩ đến thăm và hỏi chuyện về Bác Hồ. Dù đang bệnh nhưng cụ Huỳnh vẫn tiếp và kể tường tận về Cụ Hồ. Tuy vậy, có người vẫn hoài nghi và hỏi kháng chiến này sẽ thắng bại thế nào, kéo dài bao lâu?". Cụ Huỳnh khảng khái: "Ông tưởng tôi tâng bốc ông Hồ? Không, đời tôi không tâng bốc ai bao giờ. Hồi năm 1926, cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) trước khi lâm chung nói với tôi: "Độc lập của nước Việt Nam sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc!". Nay đã thấy rõ lời nói ấy ứng nghiệm. Thật là cao kiến. Còn nói cuộc kháng chiến hiện nay đến bao giờ kết thúc thì không thể khẳng định được. Đã bảo là trường kỳ kháng chiến thì 5 năm, 10 năm, 20 năm biết đâu! Có một điều tôi đoán chắc là chúng ta sẽ thắng". Đến ngày 14-4-1947, khi biết mình không qua khỏi, cụ Huỳnh đọc cho người thư ký riêng viết bức điện cuối cùng gửi Hồ Chủ tịch, nội dung như sau: "Kính gửi Hồ Chủ tịch! Tôi bệnh nặng không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả, chỉ tiếc là không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết!". Cụ Huỳnh mất vào ngày 23-4-1947, thọ 72 tuổi.
Khi hay tin cụ mất, Hồ Chủ tịch đau buồn và viết một bức thư cảm động gửi đồng bào toàn quốc, trong đó có đoạn: "Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập!'.
H. Anh - T.Tân
(còn nữa)