Cú lừa ngoạn mục của cô thợ may “chạy” chung cư

Thứ sáu, 21/04/2017 09:59

(Cadn.com.vn) - Trước đây, UBND TP Đà Nẵng có cho mẹ của Nguyễn Thị Hà (1970, trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) thuê 1 căn hộ theo diện phụ nữ đơn thân. Sau đó, Hà tiến hành làm thủ tục sang tên căn hộ được thuê của mẹ sang tên mình. Trong quá trình làm thủ tục, Hà thấy nhiều người có nhu cầu thuê chung cư, trong đó có người thân trong trong họ hàng nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tạo lòng tin, Hà “nổ” với người thân là có thể xin được chung cư chính sách nên ai có nhu cầu thì Hà sẵn sàng giúp. Vì tin lời Hà nên 5 người có quan hệ họ hàng với Hà, gồm Huỳnh Minh Lê, bà Huỳnh Thị Minh Thu, Nguyễn Phúc Minh Chuyên, Nguyễn Đình Hóa và Nguyễn Văn Ngọc đã bị lừa, chiếm đoạt hơn 539 triệu đồng.

Ngày 19-4, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Hà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa bị cáo Hà khai rằng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ bị bệnh nằm viện không có chi phí nên bị cáo đi vay nóng. Số tiền lãi quá nhiều, bị cáo mất khả năng trả nợ nên mới nghĩ ra cách lừa mọi người để có tiền. Theo bị cáo, lừa người ngoài khó thành công nên mới “áp dụng” với những người thân của mình.

Bị cáo khai, đầu tiên bị cáo mua một cái sim rác để liên lạc với 5 bị hại nêu trên và xưng tên là My (trùng tên với một cán bộ công tác tại một sở của TP Đà Nẵng). Để tạo lòng tin cho các bị hại, trước khi nhận tiền hoặc sau khi nhận tiền, bị cáo điện thoại  nói mọi người yên tâm rằng tiền của mình đã đến địa chỉ cần đến. Thậm chí, để không bị ngờ vực, bị cáo còn hứa “nếu không được căn này thì sẽ bố trí căn khác, nếu không được nữa thì hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận nên các cô các chú cứ yên tâm”. Chính những lời hứa “chắc như đinh” đó mà Hà cứ tha hồ “vòi tiền” từ những người thân trong họ hàng. Bị cáo đưa ra lý do đi ký giấy ở sở này, sở kia phải có tiền thuốc nước bồi dưỡng nên tâm lý của những người đang cần nhà ở không có “cơ hội” để suy nghĩ nhiều. Chỉ đến khi tiền đưa ngày một nhiều nhưng thứ mà họ nhận được chẳng có gì ngoài những lời hứa hẹn mới phát hiện mình ăn phải “quả lừa”. Điều đáng nói, khi bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Lê, ông đã gửi đơn tố cáo nhưng trong quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can… được tại ngoại, bị cáo lại tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo đối với những người khác.

Bị cáo Hà.

5 bị hại có mặt tại tòa rất bức xúc trước việc làm của Hà. Cũng vì tin tưởng Hà nên đã chạy vạy vay mượn khắp nơi cho Hà “chung chi” kịp thời để giờ đây người có nhà phải bán trả nợ, người chưa có tiền trả thì phải sống trong nơm nớp lo sợ vì chủ nợ suốt ngày hối thúc. Một số bị hại cho rằng số tiền mình đưa cho bị cáo nhiều hơn so với nội dung cáo trạng nêu, tuy nhiên vì những lần đó không có giấy tờ, bằng chứng nên đành “ngậm trái đắng”. Tại tòa, lời khai của bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn với bị hại; trong đó vợ chồng ông Hóa - bà Thủy khẳng định không phải bị cáo sử dụng sim rác để điện thoại đóng giả người tên My mà có một người khác cùng phối hợp với bị cáo. Ông Hóa dẫn chứng, trong ngày vợ chồng ông giao tiền có mặt bị cáo ngồi đó, ông đã điện thoại và người tên My đã bắt máy. Trong cuộc điện thoại đó, người tên My dặn ông Hóa “Chú cứ đưa tiền cho chị Hà để chị mang lên cho con, con đang làm việc không ra ngoài được”. Ông Hóa khẳng định, không có chuyện bị cáo Hà đóng giả người tên My nên đề nghị HĐXX cần xem xét đối tượng câu kết với bị cáo để thực hiện hành vi lừa đảo này. Không chỉ ông Hóa mà ông Ngọc cũng xác nhận đã từng điện thoại gặp người tên My và người này cũng hứa hẹn đủ điều.

Trong khi đó, HĐXX cho rằng quá trình điều tra CQĐT đã xác định có một cán bộ tên My đang công tác tại một sở thuộc TP Đà Nẵng nhưng thuộc bộ phận “không liên quan” đến chính sách nhà chung cư. Đồng thời qua kiểm tra xác minh số điện thoại của cán bộ My này không có cuộc gọi kết nối với số điện thoại các bị hại… Vì vậy, HĐXX xác định việc bị cáo nêu ra cái tên My chỉ là tình cờ trùng tên với cán bộ nêu trên chứ người này không liên quan. Trước những lập luận nêu trên của HĐXX, các bị hại đặt ra câu hỏi tại sao HĐXX chỉ căn cứ vào việc không liên quan đến cán bộ tên My để kết luận mà không làm rõ có một đối tượng câu kết với bị cáo? Bởi lẽ, trong trường hợp giao tiền có mặt bị cáo và vẫn liên lạc nói chuyện được với người tên My thì làm sao có thể nói bị cáo đóng giả. Và, họ cho rằng chỉ có thể bị cáo đang cố tình nhận hết tội về mình và bao che đến cùng cho đồng phạm trong vụ án này. 5 bị hại đều đề nghị HĐXX tuyên một mức án thật nặng để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhận thấy hành vi của bị cáo thể hiện sự ma mãnh và coi thường pháp luật, xâm phạm đến tài sản của người khác cần được xử lý nghiêm nên HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Trang Trần