“Cú ngã” trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU
Cú “vấp ngã” của Thủ tướng Anh Theresa May ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) khiến nhà lãnh đạo này đối mặt nhiều thách thức hơn nữa trong “cuộc chiến” Brexit với 27 quốc gia còn lại trong khối.
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) đến Bỉ để hội đàm với các nhà lãnh đạo EU về Brexit. Ảnh: Bloomberg |
Ngày 14-12, Thủ tướng Anh Theresa May đến Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của EU với tâm thế của một nhà lãnh đạo này vừa hứng chịu thất bại cay đắng tại cuộc bỏ phiếu sống còn ở nghị viện về Brexit.
Theo AFP, bà May đã vấp phải sự phản đối của một nhóm nghị sĩ trong chính đảng của bà về Brexit. Với tỷ lệ 309 phiếu thuận và 305 phiếu chống, Nghị viện Anh ủng hộ một nội dung sửa đổi đối với Dự luật rút khỏi EU của chính phủ, theo đó yêu cầu bao hàm cả sự đảm bảo pháp lý để các nghị sĩ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU.
Với kết quả này, chính quyền Thủ tướng May buộc phải chấp nhận quyền kiểm soát của Quốc hội đối với tiến trình Brexit.
Thất bại bất ngờ
Giới quan sát cho rằng, đây là đòn giáng mạnh vào chính phủ Anh và thất bại lớn đầu tiên của bà May ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh then chốt của EU. Bởi lẽ, động thái này có thể sẽ làm phức tạp nỗ lực của bà May trong việc đưa Anh rời khỏi EU. Nhiều nghị sĩ ủng hộ bà May cáo buộc những người đứng đằng sau quyết định sửa đổi này đang muốn gây khó cho bà May trong tiến trình Brexit.
Tuy nhiên, các nghị sĩ “nổi loạn” nói rằng, hành động của họ không phải là nỗ lực ngăn chặn Brexit mà là ủng hộ quyền tối thượng của Quốc hội Anh. Thủ tướng May cũng hy vọng, kết quả này sẽ không làm tổn hại các cuộc đàm phán với EU khi cả hai đang chuẩn bị thúc đẩy tiến trình đàm phán tới giai đoạn thảo luận về mối quan hệ giữa hai bên thời hậu Brexit. Trước đó, ngày 8-12, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thông báo, các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU đạt những “tiến bộ đầy đủ” để mở ra giai đoạn 2 bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với Anh. Vấn đề này sẽ là trọng tâm trên bàn hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày (14 đến 15-12) tại Brussels (Bỉ) của EU.
Và cú “vấp ngã” của Thủ tướng May lần này đã đẩy nhà lãnh đạo này đối mặt nhiều thách thức hơn nữa trong “cuộc chiến” Brexit với 27 quốc gia còn lại trong khối.
Để tránh kịch bản tồi tệ nhất
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ ra tuyên bố chính thức, các cuộc đàm phán Brexit có thể bước vào giai đoạn hai: bàn thảo về mối quan hệ song phương trong tương lai. Đây không phải là thời điểm quá sớm.
Với Brexit dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2019, Anh và EU rõ ràng không còn nhiều thời gian. Tiến trình Brexit vốn đã rất phức tạp bởi hai bên còn tồn tại nhiều tranh cãi về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm những vướng mắc kéo dài như “hóa đơn ly hôn”, quyền công dân EU ở Anh hậu Brexit cũng như biên giới Bắc Ireland và Ireland. Giờ đây, các vấn đề mà cả hai hiện đang phải đối mặt phức tạp hơn những chủ đề gây tranh cãi trong những tháng qua. Hồi tuần trước, họ thật sự nghiêm túc trong tuyên bố về “bước đột phá” trong việc giải quyết Brexit. Nhưng với thất bại mới nhất của chính phủ Anh, bây giờ, việc tránh một lối ra có thể “gây ra vết thương lớn cho Châu Âu và làm tê liệt Anh” sẽ không dễ dàng.
Giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán có thể sẽ tập trung vào các thỏa thuận chuyển đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2019. Những điều này càng đơn giản càng tốt - có nghĩa là nước Anh phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc của EU cho một mức tối thiểu 2 năm, mặc dù London có quyền từ bỏ bất kỳ quy tắc nào trong đó.
KHẢ ANH