Củng cố quyền lực

Thứ sáu, 18/07/2014 07:14

(Cadn.com.vn) - Chính quyền quân sự Thái Lan lại tiếp tục củng cố quyền lực quân đội và giảm tầm ảnh hưởng của giới chính trị khi quyết định tái cơ cấu lực lượng cảnh sát, trong đó quan trọng là sửa đổi quy định bổ nhiệm Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia.

Theo cơ cấu mới được báo The Nation dẫn nguồn, thành phần Ủy ban Cảnh sát Quốc gia Thái Lan sẽ không còn Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp, thay vào đó là Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng, người chưa từng có chân trong ủy ban này.

Đây rõ ràng là người của quân đội. Nhưng thay đổi quan trọng nhất chính là việc Ủy ban Cảnh sát Quốc gia sẽ có quyền bổ nhiệm Tư lệnh Cảnh sát dựa trên sự tiến cử của người tiền nhiệm, chứ không phải là do Thủ tướng lựa chọn như trước đây.

Kể từ khi lên nắm quyền thông qua đảo chính gây phản ứng mạnh mẽ từ hồi tháng 5, chính quyền quân sự Thái Lan liên tiếp có những động thái được tuyên bố là cải cách nhằm tiến đến bầu cử.

Nhìn nhận thực tế, đây đều là những cải cách nhằm giảm đi quyền lực thật sự của một vị Thủ tướng – vốn được cho là sẽ tiếp tục thuộc về người của đảng phái thân cựu Thủ tướng Thaksin một khi bầu cử được tổ chức.

Nhiều người chỉ trích quyết định này, cho rằng, việc đưa đại diện quân đội vào Ủy ban Cảnh sát Quốc gia là không hợp lý vì lực lượng cảnh sát cần được tôn trọng và phải có tiếng nói riêng. Họ cho rằng, trong tương lai, cảnh sát “của nhân dân” rồi cũng sẽ bị quân đội lấn lướt. Nhưng những người ủng hộ cho rằng, đây là bước khởi đầu cho sự thay đổi để đảm bảo, lực lượng Cảnh sát Quốc gia thuộc về nhân dân.

Nhưng với tình hình thực tế rối ren như hiện nay, Thái Lan sẽ vẫn mãi không thể di chuyển về phía trước nếu không xử lý rõ ràng những vấn đề còn tồn tại, nhất là rào cản lớn giữa quân đội và giới chính trị. Ắt hẳn, người Thái vẫn còn nhớ như in cuộc cách mạng năm 1932, một cuộc chiến gai góc giữa phe đòi dân chủ được quân đội ủng hộ và giới tinh hoa bảo hoàng cố thủ.

Cuộc cách mạng thành công, Thái Lan kết thúc chế độ quân chủ tồn tại trong 7 thế kỷ và chuyển thành chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng giờ đây, mọi việc xem ra còn tệ hơn khi đây là cuộc đấu tranh không chỉ giữa quý tộc và “thường dân” trong giới tinh hoa mà đã đi sâu hơn, tạo ra một xã hội chia rẽ sâu sắc.

Thiết nghĩ, cách duy nhất để Thái Lan “cứu mình” là tổ chức bầu cử tự do và công bằng, tôn trọng sự lựa chọn của tất cả người Thái và đảm bảo rằng, tất cả các bên chấp nhận kết quả.

Nếu, dưới chiêu bài “trật tự” hay “cải cách”, những người của đảng Dân chủ tiếp tục kêu gọi “bầu cử lại”, tương lai nền chính trị Thái Lan sẽ ảm đạm hơn bao giờ hết. Bất kỳ động thái nào nhằm tước quyền công dân của cử tri Thái có thể đẩy cuộc xung đột đến bờ vực thẳm.

Thanh Văn