Cuộc chiến 5G (Kỳ 2: Vì sao Mỹ kiên quyết mạnh tay với Huawei ?)
Đến giữa năm 2018, Australia tiếp tục đưa ra những cảnh báo với các nước về nỗi lo 5G của Huawei. "Chúng tôi đã chia sẻ mối quan tâm về an ninh với nhiều đồng minh, không chỉ Mỹ và không chỉ các đối tác truyền thống. Chúng tôi chia sẻ suy nghĩ với Nhật Bản, Đức, các nước Châu Âu khác và Hàn Quốc", một trong những quan chức cấp cao của Australia nói.
Mỹ lo ngại Huawei bị chính phủ Trung Quốc thao túng, một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi trong một cuộc gặp năm 2015. |
Tại Washington, chính quyền bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với Huawei. Vào tháng 8, ông Trump đã ký một dự luật cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu sử dụng thiết bị từ Huawei và ZTE Corp, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông nhỏ hơn của Trung Quốc. Huawei đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Texas, thách thức lệnh cấm. Vào cuối tháng 8, Australia đã đi xa hơn: Họ đã cấm các Cty không đáp ứng các yêu cầu bảo mật, bao gồm Huawei, cung cấp bất kỳ thiết bị nào cho mạng 5G ở nước này, cho dù do chính phủ hay các Cty tư nhân điều hành. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quyết định của Australia, trên thực tế, không có cơ sở nào, và là một sự lạm dụng tiêu chuẩn an ninh quốc gia.
Kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh
Cho đến giữa năm 2018, chính phủ Mỹ vẫn cho thấy không hề chú ý đến Huawei, tướng James Jones, người từng làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Barack Obama nhận định. Nhưng điều gì đã thúc đẩy các quan chức cấp cao của Mỹ hành động nhanh chóng như vậy? Đó là do lợi ích mà những gì mạng 5G mang lại, theo tướng Jones. "Đây là một nhận thức rất nhanh, rất nhanh về mặt hiểu biết về công nghệ", ông nói và nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đang coi nó như một bước tiến trái ngược với bước tiến cách mạng. Và bây giờ ánh sáng đó đã bật lên".
Chính phủ ông Trump hiện đang nỗ lực vận động để ngăn chặn Huawei như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhiều nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh. Trên thực tế, theo giới phân tích, tăng cường các hoạt động không gian mạng là yếu tố quan trọng trong cuộc đại tu mà Chủ tịch Tập Cận Bình phát động ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Washington đã cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng quy mô lớn khắp thế giới và cho rằng, những nhóm tin tặc này được nhà nước ủng hộ vì lợi ích chiến lược và thương mại, một cáo buộc mà Trung Quốc đã bác bỏ.
Khi Huawei phát triển mạnh mẽ, ngành viễn thông Mỹ đã chững lại từ những năm 2000. Những Cty viễn thông của họ như Lucent hay Motorola Solutions đều đã bán ngành kinh doanh thiết bị cho Alcatel và Nokia. Mỹ còn một hãng lớn khác là Cisco Systems, nhưng họ chủ yếu bán hạ tầng viễn thông chứ không phải thiết bị như Huawei, Nokia, Ericsson. Giờ đây, nếu Huawei có được chỗ đứng trong mạng 5G toàn cầu, Washington lo ngại điều này sẽ mang lại cho Bắc Kinh cơ hội chưa từng có để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và các đồng minh phương Tây và sau đó chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh quan trọng của Trung Quốc.
Trong thế giới hiện đại hóa ngày nay, bất kỳ cuộc đụng độ nào, việc tấn công mạng quy mô lớn như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về bản chất của chiến tranh, gây tổn hại kinh tế và phá vỡ cuộc sống dân sự mà không cần đạn, bom hoặc phong tỏa.
Trung Quốc cũng dễ bị tấn công
Tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ dễ bị Mỹ và các đồng minh tấn công.
Trong một bản báo cáo quốc phòng năm 2015, Bắc Kinh đã phàn nàn về điều này, nói rằng, họ đã là nạn nhân của gián điệp mạng, mà không xác định được nghi phạm. Các tài liệu từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị "người thổi còi" Edward Snowden tiết lộ cho thấy, Mỹ đã xâm nhập vào các hệ thống Huawei. Reuters hiện không thể độc lập xác minh về các cuộc xâm nhập như vậy của Washington. Tuy nhiên, chặn Huawei là một thách thức lớn đối với Washington và các đồng minh thân cận nhất, đặc biệt là các thành viên khác của nhóm chia sẻ thông tin Five Eyes gồm 5 thành viên Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Dù vậy, họ khó có lựa chọn nào tốt hơn. Từ những khởi đầu khiêm tốn vào những năm 1980 tại thị trấn Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, Huawei đã phát triển để trở thành một người khổng lồ công nghệ được nhúng sâu vào các mạng truyền thông toàn cầu và sẵn sàng thống trị cơ sở hạ tầng 5G. Có rất ít lựa chọn thay thế toàn cầu cho Huawei, vốn có cơ sở tài chính (Cty báo cáo doanh thu năm 2018 đã tăng gần 20% lên hơn 100 tỷ USD) - cũng như công nghệ cạnh tranh và sự hậu thuẫn của Bắc Kinh theo cáo buộc của Washington. "Quyết định giới hạn việc kinh doanh của Huawei sẽ không khiến Mỹ an toàn hơn hoặc mạnh hơn", Huawei đã mạnh mẽ tuyên bố như vậy khi trả lời các câu hỏi từ Reuters về những động thái cấm vận của ông Trump. Những động thái như vậy, theo Huawei, sẽ chỉ giới hạn các khách hàng của Mỹ ở trong nước, với các lựa chọn thay thế kém hơn và đắt đỏ hơn.
Hãng này cũng cảnh báo, các quốc gia loại trừ Huawei theo Mỹ có nguy cơ bị chính quyền Bắc Kinh trả đũa gay gắt. Australia là một ví dụ. Kể từ khi cấm mạng 5G của Huawei hoạt động ở Australia vào năm 2018, Canberra đã gặp nhiều gián đoạn trong việc xuất khẩu than sang Trung Quốc. Nhưng trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, họ đối xử công bằng với tất cả các loại than nhập khẩu từ nước ngoài và nhấn mạnh, việc cấm nhập khẩu than từ Australia là phù hợp với thực tế.
KHẢ ANH