"Cuộc chiến" đưa con chữ đến với trẻ em vùng cao (Bài cuối: “Tìm chữ” ở thủy điện Bản Vẽ)

Thứ tư, 27/09/2017 11:40

Chưa bao giờ hành trình tìm đến “con chữ” lại khó khăn vất vả như thế!-là cảm nhận của chúng tôi khi tìm hiểu về hành trình tìm “con chữ” của hơn 100 học sinh sống quanh vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, H. Tương Dương. Để con được đi học, bố mẹ các em phải dựng lều tạm quanh trường để cùng con “nuôi chữ”.

Nhiều túp lều được dựng lên để các em bám lớp, bám trường “tìm con chữ”. 

Thực hiện xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, hàng nghìn hộ dân phải từ bỏ “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình để về nơi ở mới. Thế nhưng tại nơi ở mới,  nhiều hộ dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phong tục lối sống không phù hợp, đất sản xuất không đủ khiến cuộc sống càng khó khăn. Cực chẳng đã họ lại quay về sinh sống trong vùng lòng hồ. Do đã cắt hộ khẩu chuyển đi nơi khác nên khi quay trở về vùng lòng hồ sinh sống, họ phải dựng nhà, làm bè, phát rẫy ở những nơi rất xa. Không muốn con em thất học, nhiều phụ huynh đã dựng lều tạm quanh trường làm chỗ tá túc cho con sau những buổi đến trường.

Chị Lương Thị Xoan, bản Chà Coong (cũ) xã Hữu Khuông, H. Tương Dương có hai con học Trường Tiểu học Hữu Khuông cho biết, gia đình chị nằm trong danh sách di dời tái định cư nhưng chưa đi. 3 năm nay, vợ chồng chị dựng lều tạm tại bản Con Phen, cứ đầu tuần chồng chở vợ con, gạo, muối đến trường; mình chị ở lại lều tạm nấu ăn và chăm các con, cuối tuần cả nhà mới sum họp tại nhà. Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Xoan còn có hàng chục gia đình khác cũng dựng lều để kiếm con chữ cho con. Những căn lều đơn sơ, mái lợp lá cọ, phên thưng bằng nứa đan, cột kèo là cây rừng thấp, nhỏ nằm chênh vênh bên bờ suối. Trong lều, một chiếc bục bằng tre nứa chiếm phần lớn diện tích, vừa là chỗ nghỉ, chỗ học, cất đặt sách vở, chỗ ăn cơm. Dưới là bếp bề bộn củi khô; ngổn ngang xoong nồi, xô chậu, bát đĩa...

Em Lương Thị Thao tự nấu cơm chuẩn bị bữa tối.

Sau tiếng trống tan trường, các em lại về căn lều tạm của mình. Những em lớn thì bố mẹ không ở cùng nữa mà phải tự túc mọi việc từ nấu ăn đến tắm rửa. Các em tự phân công nhau nấu cơm, nhặt rau, rửa bát. Nếu có thời gian các em cũng tự đi bắt cá, hái thêm rau để cải thiện bữa ăn. Vừa đi học về, em Lương Thị Thao cùng các bạn bắt tay ngay vào bếp thổi cơm, nấu canh để chuẩn bị bữa tối. Thao nói: “Về bản cũ, em cũng thích nhưng vẫn muốn ở chỗ tái định cư hơn vì điều kiện học tập ở đó thuận lợi chứ ở đây hơi vất vả vì phải tự lo toàn bộ từ giặt giũ áo quần, thổi cơm... Ban đầu cũng hơi buồn nhưng có thầy cô và bạn bè động viên nên giờ cũng quen hơn rồi”.

Thầy Nguyễn Tất Thi-Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Hữu Khuông cho biết, nhà trường thường xuyên phân công giáo viên đến lán trại để động viên, nhắc nhở các em học bài, làm bài ban đêm. Trong giờ học, giáo viên cũng quan tâm, giúp đỡ các em nhiều hơn. Theo thống kê của H. Tương Dương, hiện 4 xã vùng lòng hồ gồm Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương có 122 học sinh quay trở lại sinh sống cùng bố mẹ, người thân ở vùng lòng hồ. Trong đó, bậc mầm non có 13 em, tiểu học 31 em, THCS 17 em và THPT 61 em. Trong những căn lều tạm, những cháu còn nhỏ thì bố hoặc mẹ đi theo để nuôi ăn, ở, còn các cháu lớn thì tự túc ăn, ở. Dường như những khó khăn đó chẳng đáng là gì so với niềm đam mê con chữ nhưng việc các em tự lập quá sớm thực sự khiến nhiều người lo lắng.

Thầy Bùi Văn Hảo-Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hữu Khuông lo ngại, tại các lều tạm, nhiều phụ huynh gửi con cho một người trực trong khi các cháu còn quá nhỏ nên việc ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến học tập. Mặt khác, do đã chuyển khẩu đi nơi khác nên các chế độ chính sách dành cho học sinh vùng miền núi đặc biệt khó khăn, học sinh hộ nghèo, gia đình chính sách, bảo hiểm y tế... rất khó thực hiện. Đó là chưa kể đến mùa đông giá rét, rồi mùa mưa lũ sẽ rất nguy hiểm. Trong chuyến công tác vừa qua, H. Tương Dương cũng đã cử cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng khảo sát địa điểm để tìm phương án xây dựng nhà bán trú cho học sinh ở đây. Trước mắt huyện đã phối hợp với nhà trường hỗ trợ nhà dàn được hàn bằng khung sắt, lợp tôn để chỗ ở của các cháu đỡ vất vả, khó khăn hơn. Hi vọng với những sự hỗ trợ của chính quyền cùng những đóng góp của cộng đồng xã hội con đường tìm đến “cái chữ” của những em nhỏ nơi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sẻ vơi bớt khó khăn.

D.HÓA