Cuộc chiến nảy lửa trên chính trường Anh

Thứ năm, 05/09/2019 11:38

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phải đối mặt với trận chiến Brexit mới tại Quốc hội sau thất bại cay đắng trong chiến lược rời Liên minh Châu Âu (EU) của mình, khi hầu hết các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ về một đạo luật nhằm ngăn chặn một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận.

Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ đưa Anh rời đi cho dù có hay không có thỏa thuận “ly hôn” với EU. Ảnh: AFP

Quốc hội ngăn chặn Brexit không thỏa thuận

Hơn 3 năm sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời EU, Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ đưa Anh rời đi vào ngày 31-10 bằng bất kỳ giá nào, cho dù có hay không có thỏa thuận ly hôn với Brussels.

Nhưng các đối thủ của ông cảnh báo, Brexit mà không có thỏa thuận sẽ gây ra hậu quả kinh tế tai hại. Một báo cáo của cơ quan thương mại LHQ (UNCTAD) ngày 4-9 cho biết, việc London rời đi mà không đạt được một thỏa thuận thương mại có thể khiến nước Anh mất ít nhất 16 tỷ USD về xuất khẩu và có thể tổn thất nhiều hơn nữa do các tác động gián tiếp. Hai thế cực trái ngược đang khiến chính trường Anh trở nên rối ren hơn bao giờ hết. Trận chiến trở nên kịch tính hơn khi tối 3-9, Quốc hội Anh mở cuộc tranh luận khẩn cấp về Brexit do một nhóm nghị sĩ, những người tìm cách ngăn cản việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận, đề nghị. Sau 3 giờ tranh luận, với 328 phiếu thuận so với 301 phiếu chống, đa số nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa dự luật về ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận ra bỏ phiếu trong ngày 4-9 (giờ địa phương).

Động thái này đánh dấu thất bại lớn đầu tiên của chính phủ Anh trong việc ngăn chặn Quốc hội Anh bỏ phiếu về dự luật này, bất chấp trước đó Thủ tướng Johnson đã có bài diễn văn dài để thuyết phục các nghị sĩ. Chính phủ Anh ngay sau đó thông báo cấp thêm 2 tỷ bảng (2,4 tỷ USD) để giải quyết việc ra đi, chỉ vài phút sau khi phải chịu thất bại cay đắng.

Sẽ tổ chức bầu cử sớm?

Sau thất bại thảm hại tại Quốc hội, Thủ tướng Johnson cảnh báo sẽ yêu cầu tổng tuyển cử sớm vào ngày 14-10 tới, động thái làm leo thang một cuộc khủng hoảng chính trị kịch tính nhất từ trước đến nay về Brexit.

Ngày trọng đại 4-9 bắt đầu với việc nhà lãnh đạo Anh họp nội các khẩn cấp trước khi lên đường đến Quốc hội để đối mặt với phiên chất vấn hàng tuần đầu tiên với các nghị sĩ. Các nghị sĩ có kế hoạch tranh thủ thời gian trong lịch trình để thông qua một dự luật buộc Thủ tướngJohnson phải tìm cách trì hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020, trừ khi nhà lãnh đạo này có một thỏa thuận được Quốc hội thông qua trước thời hạn đó hoặc có điều khoản ly hôn mới xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới. Nhưng với tình hình hiện nay tại Quốc hội, khả năng dự luật chống Brexit không thỏa thuận được bỏ phiếu thông qua là rất lớn, nhất là trong bối cảnh chính phủ của ông Johnson chính thức đánh mất đa số ủng hộ tại Quốc hội sau khi một nghị sĩ đảng Bảo thủ là Phillip Lee đã quyết định từ bỏ đảng này để trở thành thành viên đảng Dân chủ-Tự do.

Hơn 3 năm sau khi Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, tất cả những diễn biến mới nhất này sẽ khiến tiến trình Brexit trở nên không chắc chắn, với kết quả có thể vẫn sẽ là từ việc rời EU không thỏa thuận trong hỗn loạn đến việc từ bỏ toàn bộ nỗ lực.

KHẢ ANH