"Cuộc chiến" Nga-Ukraine
(Cadn.com.vn) - Ukraine ngày 20-1 tuyên bố tăng giá trung chuyển khí đốt Nga qua nước này, cao hơn khoảng 50% so với trước đây, mở ra cuộc chiến gay cấn hơn giữa hai quốc gia láng giềng này trong vấn đề khí đốt vốn kéo dài trong nhiều năm qua.
"Theo tôi biết, mức phí sẽ vào khoảng 4,5 USD cho 100km khi trung chuyển 1.000 m3 khí đốt. Mức phí này cao hơn gần 50% giá trước đây", Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine, ông Vladimir Demchishin cho biết. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev, Bộ trưởng Demchishin làm giảm nhẹ những mối lo ngại của các nhà kinh doanh khi tuyên bố, phí trung chuyển sẽ phù hợp với tính toán mới của nhà điều hành.
Tuy nhiên, động thái này của Kiev chắc chắn sẽ khiến giá khí đốt của Nga bán cho các nước Châu Âu tăng cao ngất ngưỡng, và có thể dẫn đến những tranh cãi kéo dài giữa Moscow với các bạn hàng lớn ở Châu Âu, nhất là Đức. Người ta cho rằng, đây là đòn trả đũa của Ukraine sau khi Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga - Gazprom - đặt ra điều khoản bảo lưu mới, yêu cầu Kiev trả hơn 2,5 tỷ USD cho Moscow vì vi phạm hợp đồng cung cấp khí đốt. Gazprom tuyên bố, theo các điều khoản trong thỏa thuận giữa tập đoàn này với Cty quốc doanh của Ukraine Naftogaz, Kiev phải mua lượng khí đốt tối thiểu hàng năm của họ nếu không sẽ bị phạt. Tuy nhiên, những nguồn cung này đã không đạt đến mức yêu cầu trong quý III-2015. Gazprom cũng ra "tối hậu thư" yêu cầu phía Kiev phải thanh toán hóa đơn trong vòng 10 ngày tới".
Bế tắc Nga-Ukraine mới đây leo thang nguy hiểm khi Moscow yêu cầu Kiev nhanh chóng trả khoản vay 3 tỷ USD mà nước này lâu nay vẫn từ chối trả đủ vì cho rằng, đây là khoản tiền Điện Kremlin "ủng hộ" cho chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovich. Mới đây, Kiev tiếp tục chọc giận Moscow khi từ chối mua khí đốt của Nga do giá cao và chuyển sang mua khí đốt của Liên minh Châu Âu (EU). (Moscow đề xuất giá khí đốt 212 USD/1.000m3 trong khi giá của EU là khoảng 200 USD).
Naftogaz sau đó muốn Gazprom đàm phán việc Ukraine áp dụng các quy định mới về giá và dịch vụ vận chuyển khí đốt. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ" trong bối cảnh Kiev tăng dần lượng khí đốt mua từ Châu Âu. Hồi tuần trước, Naftogaz cho biết đã ký hợp đồng mua 1,7 tỷ m3 khí đốt của 5 Cty Châu Âu bằng tiền do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu cung cấp.
Không chỉ mâu thuẫn trong vấn đề khí đốt, Nga-Ukraine còn tranh cãi gay gắt ở nhiều vấn đề, từ cuộc chiến ở đông Ukraine cho đến những vấn đề kinh tế khác. Bắt đầu từ hôm 1-1 vừa qua, Moscow đã đình chỉ các thỏa thuận về Khu vực tự do thương mại với Ukraine và áp đặt thuế hải quan để bảo vệ thị trường trước dòng chảy hàng miễn thuế từ Liên minh Châu Âu (EU) sau khi thỏa thuận thương mại tự do của Kiev với EU chính thức có hiệu lực.
Mâu thuẫn trong vấn đề này thậm chí có thể đi xa hơn nữa khi Kiev hôm 20-1 đe dọa sẽ đưa vấn đề này ra phiên họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới.
Thanh Văn