Cuộc chiến Saudi Arabia-Iran tại Lebanon
Cuộc chiến chống IS có thể sẽ kết thúc, nhưng cuộc chiến kéo dài giữa Saudi Arabia và Iran giờ đây đang đe dọa trỗi dậy ở Lebanon, một đất nước mà cả Tehran và Riyadh cáo buộc nhau can thiệp công việc nội bộ của Beirut.
Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri. Ảnh: CNN |
Phát súng đầu tiên
Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri hôm 4-11 bất ngờ tuyên bố từ chức vì cho rằng đang có một âm mưu ám sát nhằm vào ông. Trong bài phát biểu trên truyền hình được phát đi từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông Hariri khẳng định tính mạng của ông đang bị đe dọa: "Tôi đang sống trong bối cảnh tương tự như trước khi cựu Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri (cha của ông al-Hariri) bị ám sát. Tôi cảm nhận được âm mưu ám sát mình". Trước đó, một kênh truyền hình Saudi Arabia đưa tin âm mưu ám sát ông Hariri vừa bị triệt phá cách đây vài ngày.
Thủ tướng Lebanon cũng chỉ trích Iran và tổ chức vũ trang Hezbollah đang đưa Lebanon vào "tâm bão" của các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách tăng cường gây ảnh hưởng đến thế giới Arab. "Bất kể Iran nhúng tay vào khu vực nào, nước này đều gây ra những tranh chấp, hủy diệt và sụp đổ. Điều này đã được chứng minh qua việc Iran can thiệp vào việc nội bộ của các nước Arab như Lebanon, Syria, Iraq và Yemen", ông al-Hariri nói.
Việc ông al-Hariri từ chức khiến chính phủ liên minh tan vỡ và đẩy Lebanon vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, đưa nước này trở về chiến tuyến của một cuộc tranh đua giành ảnh hưởng khu vực giữa Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran theo dòng Hồi giáo Shiite vốn đã làm chao đảo các nước như Syria, Iraq, Yemen và Bahrain. Sự kiện từ chức này cũng đẩy Lebanon lên "hàng đầu" trong mối quan hệ thù địch giữa Iran và Saudi Arabia trong khu vực.
Ông Hariri, đồng minh của Saudi Arabia, trở thành Thủ tướng Lebanon hồi tháng 11-2016 sau thỏa thuận chính trị giúp ông Michel Aoun trở thành tổng thống của nước này. Ông Aoun được biết đến là đồng minh của phong trào Hezbollah theo dòng Shiite. Quyết định từ chức của Thủ tướng Hariri được đưa ra trong bối cảnh chính phủ theo dòng Hồi giáo Sunni của ông mới được thành lập chưa đầy 1 năm. Việc ông bất ngờ từ chức có thể làm mâu thuẫn giữa cộng đồng người Hồi giáo Sunni và người Shiite tăng cao, khiến Lebanon rơi vào tình trạng bất ổn chính trị cũng như có thể làm xấu thêm tình hình căng thẳng ở các nước Syria, Iraq và Yemen.
Tuyên bố của Thủ tướng al-Hariri ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng, hành động của Thủ tướng Lebanon đã gióng lên "một hồi chuông cảnh báo" với thế giới về tham vọng của Iran. Phản pháo lại lời ông al-Hariri, chính quyền Tehran khẳng định cáo buộc của thủ tướng là vô căn cứ và động thái từ chức của ông càng gây thêm bất ổn cho Lebanon và khu vực.
Ảnh hưởng của Iran gia tăng
Trong khi các quan chức ở Riyadh phủ nhận có ảnh hưởng đến quyết định từ chức của ông Hariri, nhiều người trong khu vực đặt câu hỏi có phải Saudi Arabia đang lo ngại rằng, trong thời kỳ hậu IS ở Trung Đông, Iran đang nổi lên trở thành người đứng đầu.
Iran - đóng góp trang thiết bị, đào tạo và cố vấn - đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS của Iraq. Iran, cùng với Hezbollah, đang giúp đỡ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đánh bại quân nổi dậy do Mỹ, Saudi Arabia hậu thuẫn. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đang bị sa lầy trong một cuộc chiến tàn bạo, không thể chiến thắng ở Yemen, nơi mà Iran ủng hộ quân nổi dậy Houthi. Iran liên tục tăng cường ảnh hưởng ở Iraq kể từ khi liên minh do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Dù bị Mỹ và các đồng minh cô lập, trừng phạt, song với nền kinh tế đa dạng, giàu dầu mỏ và dân số hơn 80 triệu, sức mạnh và ảnh hưởng của Iran trên khắp Trung Đông tiếp tục phát triển, không chỉ trong số các quốc gia Arab.
Rami Khouri, chuyên viên cao cấp tại Đại học Mỹ ở Beirut, nhận định: "Iran đã trở thành một cường quốc khu vực". Ông Khouri cho rằng Saudi Arabia và các đồng minh ở vùng Vịnh chỉ là "những người nghiệp dư, và bây giờ họ đang cố gắng làm một điều gì đó ở Lebanon để thể hiện họ là những người cứng rắn. Đây là một nỗ lực tuyệt vọng".
Saudi Arabia, Israel và Mỹ liên tục tìm cách làm suy yếu Hezbollah, đồng minh của Iran, nhưng điều này càng làm Tehran mạnh hơn trước. Ngoài việc trở thành khối chính trị mạnh nhất của Lebanon, Hezbollah là một tổ chức quân sự hùng mạnh đã thành công trong việc buộc quân đội Israel phải rút khỏi miền nam đất nước vào năm 2000 sau một cuộc chiến tranh du kích kéo dài và tốn kém. Mỹ, Liên minh Châu Âu và Israel xem Hezbollah là nhóm khủng bố. Mỹ cáo buộc Iran, với sự hỗ trợ của Hezbollah, đã thực hiện vụ đánh bom năm 1983 ở Beirut giết chết 241 nhân viên phục vụ Mỹ và 58 lính nhảy dù Pháp.
Ngày nay, Saudi Arabia, Israel và Mỹ đang muốn lợi dụng sự bấp bênh, và nền chính trị phức tạp của Lebanon để đối đầu với Iran thông qua Hezbollah. Cuộc chiến tranh ủy thác này khiến Trung Đông thời kỳ hậu IS không khác nhiều so với Trung Đông cũ, thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa.
AN BÌNH
----------------------------------------------------------------------------------------------
Saudi Arabia cấm Tổng thống Yemen hồi hương
Các quan chức Yemen cho biết, Saudi Arabia cấm Tổng thống Yemen Hadi cùng với các con trai ông, các bộ trưởng và các quan chức khác về nước trong vài tháng.
Ông Hadi và nhiều quan chức Yemen sớm bỏ chạy đến Saudi Arabia do chiến tranh bùng phát ở Yemen, hiện sang năm thứ 3, chủ yếu sống ở Riyadh. Các quan chức trên cho biết Saudi Arabia đưa ra quyết định trên với lý do bề ngoài là bảo vệ Tổng thống Hadi và chính phủ của ông, nhưng thực ra đây là một lệnh cấm để chiều lòng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đồng minh hàng đầu của Saudi Arabia, vốn thù địch với ông Hadi và phản đối ông hồi hương. Ông Hadi nhiều lần yêu cầu Quốc vương Saudi Arabia Salma cho phép hồi hương nhưng không nhận được câu trả lời.
A.BÌNH
----------------------------------------------------------------------------------------------