Cuộc chiến thương mại phủ bóng đàm phán Trung-Đức
(Cadn.com.vn) - Những tranh cãi thương mại liên quan hoạt động mua bán và đầu tư của Trung Quốc, nổi bật là bất đồng về giá bán thép và việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, phủ bóng chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) trên bàn hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc |
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh hôm 13-6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, “Bắc Kinh không muốn có một cuộc chiến thương mại với Châu Âu”. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi đàm phán nhiều hơn về việc trao cho Trung Quốc quy chế nền kinh tế thị trường theo các quy tắc khi Bắc Kinh gia nhập WTO năm 2001. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cho biết, Berlin không thể tự quyết định vấn đề này và phải chờ Liên minh Châu Âu (EU) họp bàn xem xét.
Hôm 13-6, Airbus (tập đoàn của Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức) đạt thỏa thuận bán 100 máy bay trực thăng cho một tập đoàn Trung Quốc, trong khi Cty sản xuất ô-tô Daimler AG của Đức và đối tác Trung Quốc, BAIC Motor cam kết sẽ cùng đầu tư 4 tỷ NDT (430 triệu bảng Anh) để mở rộng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, căng thẳng về quy chế nền kinh tế thị trường của Trung Quốc phủ bóng bàn hội đàm Trung-Đức. Cả hai nước cũng không thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề hoạt động mua bán và đầu tư của Trung Quốc vào một Cty chế tạo người máy và cả những bất đồng giá bán thép.
Trung Quốc hiện đang sản xuất lượng thép dư thừa quá nhiều và điều này gây ra vấn đề lớn đối với ngành thép Châu Âu. Khi gia nhập WTO năm 2001, Bắc Kinh đồng ý các thành viên có thể sử dụng thị trường thứ ba để so sánh khi xác định liệu hàng hóa của Trung Quốc có đang được bán với giá quá thấp hay không. Bắc Kinh có thời gian quá độ 15 năm và khung thời gian này sẽ kết thúc vào tháng 12 tới. Trung Quốc đang kêu gọi EU công nhận nước này có nền kinh tế thị trường, nhưng một số thành viên EU vẫn từ chối vì cho rằng, nền kinh tế số 2 thế giới vẫn chịu sự chỉ đạo rất lớn của nhà nước.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 6 này hoặc tháng 7 tới, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ họp bàn đưa ra quyết định về việc này. Bắc Kinh xem Đức, đối tác thương mại lớn nhất của họ trong EU, có ảnh hưởng lớn trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Nhưng trong chuyến thăm thứ 9 đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức, bà Merkel cho biết dù rất muốn cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn còn có việc phải làm. “Bà đầm thép” kêu gọi Bắc Kinh cải cách nền kinh tế hơn nữa, lưu ý việc sản xuất dư thừa thép đang gây sức ép cho ngành công nghiệp thép Châu Âu.
Bà Merkel cũng nhấn mạnh sự cần thiết tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ hơn. “Đức đã luôn luôn chứng tỏ là một thị trường đầu tư thông thoáng. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc cũng vậy”, bà Merkel nói.
Đáp lại, ông Lý Khắc Cường khẳng định, tình trạng dư thừa thép là vấn đề toàn cầu, không chỉ là của Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm Bắc Kinh đang cắt giảm công suất sản xuất thép trong nước. Khả năng Trung Quốc được cấp quy chế nền kinh tế thị trường đang đến khi Bắc Kinh kiên quyết rằng, các nước phải tuân theo thỏa thuận 15 năm trước đây. Tuy nhiên, việc Châu Âu miễn cưỡng từ bỏ cách chống lại hàng nhập khẩu Trung Quốc giá rẻ khiến tranh chấp thương mại lại lờ mờ hiện ra ở WTO và có nguy cơ bùng nổ gay gắt hơn.
Khả Anh