Cuộc gặp gỡ thế kỷ

Thứ năm, 05/11/2015 09:38

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo đảo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu sẽ có cuộc gặp gỡ tại Singapore vào ngày 7-11 tới, đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo 2 bờ eo biển Đài Loan kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. 

Theo các nguồn tin, tại cuộc gặp gỡ lịch sử này, hai nhà lãnh đạo không mong đợi sẽ ký kết bất kỳ thỏa thuận, hay đưa ra tuyên bố chung nào. Tuy nhiên, cả hai có kế hoạch thảo luận các vấn đề nhằm đạt được hòa bình. Cuộc gặp gỡ này, diễn ra chỉ 3 tháng trước thềm cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1-2016, trong đó Quốc dân đảng có lập trường tương đối thân chính quyền Bắc Kinh được nhiều người dự báo sẽ thất bại trước đảng Dân Tiến (DPP) vốn có quan điểm xa rời đại lục hơn. Thời điểm tổ chức cuộc gặp này cho thấy, Trung Quốc đại lục rất coi trọng việc cải thiện đáng kể mối quan hệ với đảo Đài Loan và lo ngại mối quan hệ hai bên có thể bị hủy hoại nếu ứng viên của đảng đối lập lên nắm quyền.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, nữ ứng viên Thái Anh Văn của DPP đang dẫn đầu trong cuộc đua này. Sức mạnh của bà Thái đã khiến Quốc dân đảng phải chọn một ứng viên lãnh đạo mới sau khi ứng viên cũ của họ bị dẫn điểm quá xa trong các cuộc thăm dò dư luận. Đây là lần đầu tiên một chính đảng ở Đài Loan thay đổi ứng cử viên giữa chừng như thế này. Bà Thái lên tiếng hoan nghênh cuộc đối thoại lần này với nhà lãnh đạo Trung Quốc đại lục, nhưng kêu gọi cần xét lại cơ sở đối thoại hiện nay với Trung Quốc, một chủ trương bị cáo buộc là đòi hỏi Bắc Kinh xem Đài Loan như một quốc gia độc lập.

Thực tế, chính quyền Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh  của Trung Quốc và cảnh báo sẽ “can thiệp quân sự” nếu hòn đảo này chính thức tuyên bố độc lập. Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Mã Anh Cửu chủ trương tiến đến mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận thương mại lịch sử. Tuy nhiên, căng thẳng chính vẫn tồn tại - đó là lý do tại sao việc giới lãnh đạo hai bên gặp mặt như thế này được xem là một sự kiện lịch sử và người ta vẫn hy vọng về một bước đột phá giữa hai bên.

Bởi thực tế cho thấy, dù có sự rạn nứt, Trung Quốc đại lục vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Hàng trăm chuyến bay qua lại giữa hai bờ eo biển Đài Loan mỗi tuần và các ngân hàng Trung Quốc hiện cũng hoạt động trên hòn đảo này trong khi một số Cty Đài Loan có nhà máy ở Đại lục. Và với tàn tích nội chiến đã qua 66 năm, cuộc gặp này là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, giúp tăng cường lòng tin, thúc đẩy sự phát triển hòa bình giữa hai bờ eo biển.

Thanh Văn