Cuộc khủng hoảng Boeing và hình ảnh nước Mỹ
Cuộc khủng hoảng Boeing đã bị đào sâu đến độ sự cố này cuối cùng có thể sẽ chỉ có “được giải quyết” ở thủ đô Washington thay vì tại cơ sở sản xuất của tập đoàn này ở bang Bờ Tây.
Các sự cố tai nạn thảm khốc của máy bay 737 Max mới ở Indonesia và Ethiopia giờ đây không chỉ là vấn đề nghiêm trọng đối với Boeing. Chính nó đang đặt ra câu hỏi liệu sự cố này có phải là hệ quả của nhiều năm nới lỏng sự giám sát của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Giờ đây, mỗi chi tiết được tiết lộ từ hai vụ thảm kịch, vốn giết chết hơn 300 người, càng khiến Boeing trượt sâu vào khủng hoảng và càng chồng chất trách nhiệm lớn hơn đối với các nhà lãnh đạo Mỹ trong nỗ lực đối phó với một “bộ phim” đang đặt ra thử thách niềm tin toàn cầu.
Trong chi tiết mới nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Ethiopia Dagmawit Moges công bố báo cáo chính thức đầu tiên về vụ tai nạn máy bay Boeing Max 8. Theo đó, các phi công của hãng Ethiopian Airlines đã tuân thủ đúng các quy tắc hướng dẫn, thực hiện lặp lại tất cả các thủ tục mà nhà sản xuất cung cấp, nhưng đã không thể kiểm soát được máy bay. Trong khi đó, hãng Ethiopian Airlines cũng có tuyên bố chính thức về báo cáo kết luận vụ tai nạn, theo đó mũi của máy bay đã liên tục bị chúi xuống.
Kết quả điều tra ban đầu của Ethiopia đã khiến hãng hàng không Mỹ hứng chịu thêm sức ép phải lấy lại niềm tin của khách hàng khi mà chỉ trong vòng 5 tháng đã có tới 2 vụ tai nạn máy bay xảy ra. Trước tình cảnh này, Boeing hôm 5-4 cho biết sẽ thực hiện tất cả các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết để lấy lại uy tín của hãng. Giám đốc phụ trách máy bay thương mại của Boeing, ông Kevin McAllister đã nói sẽ xem bản báo cáo điều tra ban đầu này một cách thận trọng và tiến hành các bước cần thiết để nâng cao độ an toàn cho máy bay của hãng. Boeing cũng dự định sẽ cập nhật phần mềm hệ thống chống chết động cơ cho dòng máy bay 737 Max trong một vài tuần tới. Cơ quan quản lý hàng không của Mỹ tuần này cũng vừa yêu cầu Boeing phải điều chỉnh thêm phần mềm mà hãng đề xuất sẽ cập nhật trước khi đệ trình lên cơ quan quản lý xem xét.
Nhưng vấn đề đặt ra hơn nữa không chỉ cho Boeing và còn là bài toán đau đầu đối với giới chức Mỹ. Rõ ràng là một loạt các cuộc điều tra sẽ kiểm tra năng lực của Quốc hội, xem liệu họ có bỏ qua các xung đột lợi ích và có sự giám sát hiệu quả một tập đoàn hùng mạnh và mang tính biểu tượng của nền kinh tế nước Mỹ như Boeing hay không.
THANH VĂN