Cuộc thi phim ngắn WildFest: Hãy đến với thiên nhiên hoang dã bằng tình yêu hồn nhiên...

Thứ năm, 02/07/2015 09:14

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi Operation Game Change (OGC)-một liên minh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và chuẩn bị cho sự kiện lớn WildFest sẽ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội vào ngày 1-11-2015, cuộc thi phim ngắn mang tên WildFest sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác tại Việt Nam. WildFest sẽ là một sân chơi mới dành cho những nhà làm phim trẻ tuổi thuộc mọi quốc tịch.  Với mục đích chia sẻ thông tin, cung cấp thông điệp và trao đổi kỹ năng làm phim, Chương trình khởi động cuộc thi phim ngắn WildFest đã được khởi động trên cả nước trong những ngày tháng 6 vừa qua.

Tại Đà Nẵng, dịp này, Nguyễn Mỹ Dung (Mzung), một nhà làm phim và bảo vệ động vật hoang dã,  đã dành cho chúng tôi buổi gặp gỡ, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi chị được tiếp cận với động vật hoang dã tại Nam Phi, Nam Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.

Nhà làm phim Nguyễn Mỹ Dung  tại một khu bảo tồn Châu Phi.

Chị có thể cho biết chị giữ vai trò thế nào trong những các buổi khởi động làm phim về tê giác của WildFest?

Tôi giữ vai trò là khách mời của buổi khởi động làm phim về tê giác của WildFest. Điều này, theo ban tổ chức là nhằm truyền cảm hứng cho các nhà làm phim về thế giới hoang dã. Qua hoạt động này, chúng tôi có các cuộc trò chuyện, trả lời tất cả các câu hỏi thắc mắc về thế giới các chủng loài hoang dã, về kinh nghiệm làm phim trong rừng.

Chị có thể nói rõ hơn về ý nghĩa và nội dung cuộc thi phim ngắn WildFest?

Mục đích của cuộc thi này là nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp người dân Việt Nam về nạn buôn bán và sử dụng trái phép các sản phẩm làm từ động vật hoang dã, nhất là sừng tê giác; từ đó thúc đẩy việc cùng nhau hành động tạo sự thay đổi. Cuộc thi làm phim yêu cầu các nhà làm phim làm 1 phim ngắn dưới 7 phút. Hạn chót nhận tác phẩm là 31-8-2015. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 1-11-2015 tại Hoàng thành Thăng Long.

Được biết chị  là 1 trong những người đầu tiên tại Việt Nam làm phim và bảo vệ động vật hoang dã, chị có thể chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi  được tiếp cận với động vật hoang dã tại những nơi đã đến? 

Nếu bạn có tình yêu, nếu bạn đến với nó bằng sự hồn nhiên, thiên nhiên hoang dã sẽ đối đãi với bạn cũng bằng tình yêu như thế. Các nhà làm phim thường đã có kinh nghiệm làm việc trong điều kiện vất vả, cường độ di chuyển lớn, sức chịu đựng hơn người thường, chỉ cần thêm một chút dũng cảm, thêm tình yêu dành cho loài vật, thêm một chút kiến thức là đã có thể tiếp cận được với mảng đề tài hấp dẫn này. Thiên nhiên sẽ dạy cho bạn nhiều bài học của sự trở về. Đó là thuận theo tự nhiên, trả lại mọi thứ về cho tự nhiên, tôn trọng ranh giới cuộc sống của muôn loài như nó vốn sinh ra.

Hành trình chị đã đến thế giới hoang dã ở Châu Phi như thế nào?

Cụ thể, tôi phải chuẩn bị thể lực, tiền bạc, thời gian, kiến thức, visa... trước khi lên đường, vào thời điểm nghe tin cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã bị giết hại vào năm 2010.

Tuy nhiên, thực ra, tình yêu dành cho loài vật hoang dã đã có trong máu tôi từ thời thơ ấu, cho đến khi trở thành nhà làm phim có được phương tiện để truyền tải câu chuyện của mình phản ảnh những vấn đề đời sống, thì tình yêu này càng nhóm thêm sức mạnh. Và chính xác là cho đến cái ngày cá thể  tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam bị tận diệt,  đã trở thành giọt nước tràn ly thúc đẩy tôi đến với lục địa đen.  Khi tôi đến nơi này, thực tế làm tôi cứ mãi băn khoăn: có thể người Việt Nam sẽ đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta phải bảo vệ tê giác, khi đất nước chúng ta không còn con nào? Nhưng tê giác không còn là câu chuyện riêng của Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Tôi rất ngạc nhiên, trong khi người Việt đã tiêu diệt con tê giác cuối cùng, thì có hàng ngàn người trên thế giới đổ về Nam Phi để bảo vệ tê giác. Họ làm việc hoàn toàn tình nguyện trong các khu rừng cách xa khu dân cư, chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn, sự khắc nghiệt về thời tiết. Nhiều nhà nghiên cứu từ Châu Âu, Châu Á cống hiến cả cuộc đời mình cho sự sống của loài vật.

Điều tôi ấn tượng là thanh niên Châu Âu rất có ý thức về các vấn đề toàn cầu, họ dành dụm tiền bạc, thời gian để đến các khu bảo tồn làm tình nguyện viên chăm sóc các loài đang bị đe dọa, bên bờ tuyệt chủng. Tại các cuộc hội thảo, trong những lần nghe tên Việt Nam bị xướng lên, sau những lần có cá thể tê giác nào bị giết là tôi vô cùng đau lòng. Những kẻ săn trộm, những người sử dụng trái phép động vật hoang dã và sừng tê giác đã vô tình ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Tôi chỉ mong đến một ngày nào đó lá cờ của đất nước mình không bị gắn kèm sau lưng xác tê giác ở Nam Phi.

Chị có những lời khuyên như thế nào đối với những bạn trẻ muốn tham gia cuộc thi phim ngắn WildFest? 

Tê giác ở Việt Nam không  còn, các loài hoang dã cũng không dễ gì mà tìm thấy để làm nhân vật, chất liệu cho phim. Nhưng không có nghĩa là sẽ cạn đi đề tài cho bạn. Hãy nhìn ra xung quanh để thấy rất nhiều người trong chúng ta ngày ngày vẫn sử dụng các sản phẩm làm từ động vật hoang dã, vẫn lén lút hoặc công khai uống sừng tê giác... Hãy lắng nghe tiếng khóc của các chủng loài vô tội... Bằng tình yêu của mình, sự thấu hiểu bạn sẽ biết mình sẽ bắt đầu kể các câu chuyện bằng hình ảnh như thế nào. Thế giới hoang dã không đầy hiểm nguy như bạn nghĩ, nỗi sợ của con người trước thế giới loài vật không thể nào sánh được với nỗi sợ, mối nguy hiểm, sự tuyệt chủng mà các chủng loài khác đang phải gánh chịu. Thế giới các loài đang dần mất đi, nhưng trong khi đó thế giới loài người thì đã phủ tràn khắp mặt đất, điều nào đáng sợ hơn? Và điều này liệu đã đủ chất liệu cho trí tưởng tượng của bạn để làm phim hay chưa?

Xin cảm ơn cuộc trò chuyền của chị Mzung. Chúc cuộc thi phim ngắn WildFest đạt kết quả tốt đẹp.

Trần Trung Sáng
(thực hiện)