“Cứu” thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine

Thứ năm, 26/06/2014 10:47

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận ngừng bắn được mong chờ ở miền đông Ukraine có nguy cơ đổ vỡ khi cả phe nổi dậy và chính phủ đều cáo buộc bắn phá vào nhau.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Nga, đang nỗ lực cứu thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh của Ukraine sau khi Kiev dọa hủy bỏ cơ chế này do quân nổi dậy bắn rơi một máy bay trực thăng quân đội khiến 9 người chết vào đêm 24-6.

Phe nổi dậy hiện kiểm soát phần lớn khu vực miền đông Ukraine. Ảnh: AFP

Trong động thái làm dịu căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Thượng viện rút lại bản nghị quyết hôm 1-3 cho phép ông điều quân đến Ukraine. Nhà Trắng hôm 24-6 hoan nghênh động thái từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, Washington, vốn đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Moscow, muốn có bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi của Nga. Nằm trong nỗ lực ngoại giao con thoi của mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tổ chức các cuộc hội đàm song phương đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Pavlo Klimkin. Thủ lĩnh ngoại giao của Mỹ cũng tham dự các cuộc hội đàm của NATO tại Brussels (Bỉ), ưu tiên bàn về tình hình ở Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko hiện đang yêu cầu NATO hỗ trợ thêm để dập tắt phe nổi dậy, vốn bị cáo buộc tấn công lực lượng chính phủ 35 lần kể từ khi có lệnh ngừng bắn vào tối 20-6. Tổng thống Poroshenko thậm chí cảnh báo sẽ hủy bỏ lệnh ngừng bắn này. AFP dẫn thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: “Nguyên thủ quốc gia không loại trừ hủy bỏ cơ chế ngừng bắn trước thời hạn vì xét thấy việc vi phạm liên tục của phe nổi dậy vốn bị nước ngoài kiểm soát”. Theo ông Poroshenko, việc rút lại lệnh ngừng bắn cho phép lực lượng chính phủ đáp trả phe nổi dậy.

Slaviansk - Thành phố ma

Slaviansk, một thành phố công nghiệp là 120.000 dân, là nơi chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất và hiện giống như “thành phố ma”. Khu vực trung tâm Slaviansk hiện không có điện và nước. Dịch vụ điện thoại di động không có thường xuyên.
Phóng viên AFP cho biết, đường phố Slaviansk vắng lặng và các tòa nhà bị phá tan hoang. Một số ít người đủ dũng cảm xếp hàng bên ngoài chờ được cấp nước và nhận hàng cứu trợ khẩn cấp. Các cửa hàng vẫn đóng cửa trong suốt trung tâm thành phố và các cơ sở công nghiệp duy nhất còn hoạt động là nhà máy sản xuất bánh mì địa phương – do phe nổi dậy cung cấp điện và nước.

Tuy nhiên, phe nổi dậy cũng tố cáo quân đội Ukraine không tuân thủ lệnh ngừng bắn. Thủ tướng Cộng hòa tự xưng Donetsk, Alexander Borodai khẳng định, “Kiev không ngừng chiến tranh và bắt đầu bắn vào Slaviansk, Sneznyi. Giao tranh cũng nổ ra ở sân bay Donetsk. Cả hai bên đều có thương vong”. Theo ông Borodai, các cuộc đàm phán với Kiev chỉ có thể diễn ra nếu chính phủ rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Donetsk. Ông Borodai cũng tố cáo ý đồ của Kiev trong việc chọn ngày 27-6 làm thời hạn chót để ngừng bắn khi cho rằng, “đó là ngày Kiev sẽ ký thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU)”. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Tối cao Cộng hòa tự xưng Lugansk, Alexei Karjakin cũng cáo buộc, chính phủ phá vỡ lệnh ngừng bắn. Ông Karjakin khẳng định sẵn sàng đàm phán, song điều kiện chính là không chuyển quân trong thời gian nhạy cảm này.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần do Tổng thống Poroshenko đưa ra nên được gia hạn và đi kèm với các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe nổi dậy. “Chúng tôi hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được mở rộng thêm và từ đó đi đến những cuộc đàm phán thực chất”, ông Putin nói trong chuyến công du tới Áo.

Rõ ràng, những động thái này đang đe dọa hy vọng vừa chớm nở về khả năng chính quyền Tổng thống Poroshenko có thể chấm dứt 11 tuần bạo lực vốn cướp đi sinh mạng của 435 người (theo số liệu của LHQ và AFP). Ông Poroshenko có thể sẽ sớm thảo luận về sự cố mới nhất (vụ máy bay bị bắn hạ) với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể cũng tham gia. Hy vọng về bước chuyển biến tích cực hơn sau cuộc điện đàm này là không nhiều khi Kiev và Washington vẫn luôn to tiếng cáo buộc Moscow bí mật cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy qua đường biên giới.

Moscow lâu nay vẫn hoàn toàn bác bỏ bất kỳ sự can dự nào ở miền đông Ukraine mặc dù luôn đau đáu nhiệm vụ phải bảo vệ dân tộc Nga ở nước ngoài. Một số nhà phân tích cho rằng, ông chủ Điện Kremlin dường như đang quyết tâm để tránh các bước có thể kích hoạt lệnh trừng phạt rộng hơn nhằm vào nền kinh tế Nga.

Khả Anh