Cựu Thủ tướng Yingluck đang ở đâu?

Thứ bảy, 26/08/2017 08:39

Ngày 25-8, Tòa án Tối cao Thái Lan ban hành lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà không tham dự phiên tòa xét xử những cáo buộc về việc bà thiếu trách nhiệm gây thiệt hại trong chính sách trợ giá gạo.

Luật sư của bà Yingluck, Norawit Larleang thông báo với tòa rằng, bà bị ốm và không thể tham dự phiên xét xử, song không cung cấp giấy chứng nhận y tế. "Tòa không tin bà bị ốm... và quyết định phát lệnh bắt giữ", Thẩm phán Cheep Chulamon cho biết.

Khoản tiền bảo lãnh 30 triệu baht (900.000 USD), được nộp khi phiên xử bắt đầu cách đây hơn 2 năm, bị tịch thu. Cũng theo Thẩm phán Cheep, phiên xét xử được ấn định lại vào ngày 27-9 tới.

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck la hét bên ngoài Tòa án tối cao sau khi nghe tin bà không xuất hiện. Ảnh: AP

Trốn ra nước ngoài?

Luật sư Norawit cho biết, ông không biết cựu thủ tướng đang ở Thái Lan hay nước ngoài. Ông Norawit khẳng định với báo giới: "Lúc 8 giờ, nhóm của bà Yingluck liên lạc với tôi để nói rằng họ đã thông báo với tòa án về việc bà không thể có mặt tại tòa vì bị bệnh về tai. Trong 1, 2 ngày qua, tôi đã không trực tiếp liên lạc với bà Yingluck mà chỉ thông qua nhóm của bà. Tôi không biết hiện bà ở đâu".

Trong khi đó, người đứng đầu lực lượng cảnh sát nhập cảnh Thái Lan Nanthathorn Prousoontorn bày tỏ tin tưởng, bà Yingluck vẫn ở trong nước. Ông xác nhận: "Cho tới thời điểm này chúng tôi không có thông tin cho thấy bà Yingluck đã xuất cảnh qua bất cứ trạm kiểm soát biên giới nào của Thái Lan... Nếu phát hiện bà ấy sẽ bị bắt". Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Natthathorn Prohsoonthorn nói rằng, ông không thể xác nhận liệu bà Yingluck có còn ở Thái Lan hay không. Kể từ năm 2015, bà Yingluck đã bị cấm rời khỏi đất nước nếu không có sự chấp thuận của tòa án.

Ngay lập tức, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha ra lệnh cho các trạm kiểm soát biên giới tăng cường hoạt động. "Tôi mới được biết tin bà Yingluck không xuất hiện trước tòa. Tôi đã ra lệnh tăng cường cho các trạm kiểm soát biên giới", ông Prayut cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit wongsuwon nói rằng, cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ truy bắt theo lệnh của tòa án và nếu bà Yingluck trốn được ra nước ngoài thì đó là nhờ sự giúp đỡ của các quan chức có liên quan đến chính quyền cũ.

Singapore hay UAE?

Theo trang tin Khaosod của Thái Lan, cựu Thủ tướng Yingluck hiện đang ở Singapore. Dẫn nguồn tin "vô cùng tin cậy", báo trên cho rằng bà Yingluck đã sang Singapore dù trước đó luật sư của bà thông báo lý do vắng mặt tại tòa là vì bị đau tai. Tuy nhiên, Trang tin Khaosod sau đó cho rằng, bà Yingluck đã đến Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi người anh trai Thaksin Shinawatra được cho là đang cư trú. Theo trang tin này, bà Yingluck và con trai 15 tuổi đã đi bằng đường bộ qua Campuchia từ hôm 23-8. Từ đây, bà và con trai đã đáp máy bay sang Singapore rồi di chuyển bằng đường hàng không tới Dubai.

Bất ngờ lớn

Việc cựu Thủ tướng Yingluck không xuất hiện tại tòa là "bất ngờ lớn" đối với hầu hết người dân Thái Lan, Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn nhận định. "Cách bà ấy đã chiến đấu, có vẻ như bà ấy sẵn sàng trải qua thử thách. Nhưng hiện giờ bà ấy lại nghĩ về việc trốn chạy", ông Thitinan cho biết.

Khoảng 1.000 người ủng hộ bà Yingluck đang chờ đợi bên ngoài tòa án để nghe phán quyết. Họ xếp hàng sau những rào chắn và những đường phố gần đó. Họ nhanh chóng tan rã sau khi nghe tin cựu thủ tướng không xuất hiện. Cảnh sát Thái Lan đã triển khai 3.000 cảnh sát cùng nhiều chốt kiểm soát trước phiên xét xử để phòng xảy ra các cuộc biểu tình.

Đánh mất quyền lực

Bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 và là thủ tướng trẻ nhất của nước này trong hơn 60 năm qua.

Bà bị phế truất sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014. Bà Yingluck sau đó bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.  Sau khi bị lật đổ, bà Yingluck cho rằng mình đã hành xử với tính liêm chính và trung thực trong thời gian làm thủ tướng. "Tôi cam kết đã làm theo đúng thủ tục tố tụng của hiến pháp, luật pháp của đất nước", bà cho biết trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Chương trình trợ giá gạo, được đưa ra trong năm 2011, cam kết trả cho nông dân cao hơn mức giá thị trường, bị các nhà chỉ trích cho rằng đã làm lãng phí một lượng lớn các quỹ công, ảnh hưởng đến xuất khẩu và làm tồn đọng những kho dự trữ gạo khổng lồ không thể bán được. Tuy nhiên, bà Yingluck cho rằng chương trình trợ giá gạo "có lợi cho nông dân và đất nước" và tuyên bố rằng các cáo buộc trên là âm mưu chính trị nhằm chống lại bà.

Nếu bị tuyên có tội, bà Yingluck sẽ phải đối diện với án 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị trọn đời theo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo. Anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng bị phế truất vào năm 2006 sau một cuộc đảo chính. Ông Thaksin sau đó đã chạy ra nước ngoài để tránh án tù vì tội tham nhũng.

AN BÌNH