Đa dạng thị trường vũ khí toàn cầu

Thứ tư, 17/06/2015 11:19

(Cadn.com.vn) - Đông Nam Á là trường hợp nghiên cứu thú vị để khám phá những xu hướng trong thương mại vũ khí quốc tế.

Thị trường vũ khí toàn cầu ngày càng trở nên “đa dạng”? Về vấn đề này, khu vực Đông Nam Á có thể là ví dụ điển hình. Việc bán vũ khí cho khu vực này đang thực sự trở thành hoạt động kinh doanh có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á mở rộng quyền tiếp cập công nghệ và thiết bị quân sự tiên tiến.

Thị trường vũ khí Đông Nam Á

Thị trường vũ khí Đông Nam Á có nhiều điểm đặc biệt.

Đầu tiên, theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra, số tiền tất cả các nước Đông Nam Á chi cho mua vũ khí tương đối nhỏ, trị giá chỉ 2-3 tỷ USD mỗi năm – tương đương với số tiền Hàn Quốc chi cho nhập khẩu vũ khí. So với Trung Quốc hay Ấn Độ là nơi có truyền thống mua vũ khí chủ yếu là từ Nga, hay Nhật, Hàn - những nước bị “giam cầm” trong thị trường ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, thị trường vũ khí Đông Nam Á phát triển nhanh chóng với những chính sách cởi mở và mang tính cạnh tranh hơn.

Những yếu tố này là đặc biệt quan trọng, vì “thị trường của người mua vũ khí” đã tồn tại từ cuối Chiến tranh Lạnh. Khi ngân sách mua sắm quân sự giảm, các nhà sản xuất vũ khí truyền thống hàng đầu ở Bắc Mỹ và Châu Âu nỗ lực tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài để bù đắp cho nhu cầu trong nước bị thu hẹp lại. Các Cty quốc phòng Châu Âu như BAE Systems, Saab, và Thales hiện kiếm được 3/4 doanh thu từ bán hàng ở nước ngoài. Ngành công nghiệp vũ khí của Nga dựa vào xuất khẩu chiếm đến 90% thu nhập. Đồng thời, các quốc gia sản xuất vũ khí khác đang nổi lên như Israel, Brazil, Trung Quốc, Ba Lan, Ukraine và Hàn Quốc trở thành các thị trường vũ khí đầy tiềm năng.

Xuất khẩu vũ khí trở nên quan trọng đối với sự sống còn của hầu hết các nhà sản xuất vũ khí bởi thị trường vũ khí toàn cầu trở nên bão hòa. Do đó, các nhà cung cấp sẵn sàng bán tất cả các loại hệ thống vũ khí thông thường có sẵn cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, bên bán sẵn sàng thương lượng về giá cả.

Mô hình chuyển giao vũ khí

Điều này thể hiện rõ trong mô hình chuyển giao vũ khí sang Đông Nam Á thập kỷ qua. Một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tăng lên nhanh chóng trong khu vực, và từ vô số các nhà cung cấp. Moscow bán máy bay chiến đấu Su-30 cho Indonesia, Malaysia.

Indonesia nhận được 16 máy bay huấn luyện chiến đấu nhẹ T-50 từ Hàn Quốc, và đang hợp tác với Seoul về dự án máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo KFX. Jakarta cũng đang đặt hàng 24 máy bay chiến đấu ex-USAF F-16 từ Mỹ. Trong những năm gần đây, Singapore mua hai chục chiếc F-15, và với vai trò là đối tác trong chương trình Hợp tác Máy bay Chiến đấu quốc tế, Singapore có thể mua đến 100 chiếc F-35. Philippines đã đặt mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 từ Hàn Quốc (và có thể mua thêm 24 chiếc), trong khi Thái Lan đã mua 12 máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển... Các lực lượng mặt đất khu vực Đông Nam Á mua vũ khí từ nhiều nước. Do đó, không một quốc gia cung cấp vũ khí nào chi phối toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Thực tế, theo SIPRI, không nhà xuất khẩu vũ khí nào thu hút được hơn 10% thị trường trong thập kỷ qua; trừ Nga, với con số khổng lồ 44% thị trường.

Đông Nam Á là thị trường mà các nước sản xuất vũ khí muốn nhắm tới. Ảnh: Diplomat

Đa dạng hóa: hãy cẩn trọng

Những mô hình chuyển giao vũ khí gần đây có thể suy ra rằng, thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng đa dạng hóa. Thực tế, quân đội các nước trong khu vực Đông Nam Á có hệ thống vũ khí đa dạng được mua từ  phạm vi tương đối rộng của các quốc gia cung cấp. Đa dạng có thể giúp các nhà cung cấp mới, chẳng hạn như Brazil, Ba Lan, Hàn Quốc, hòa nhập vào thị trường.

Tuy nhiên, giá cả không phải lúc nào cũng ảnh hưởng quyết định mua vũ khí. Một loạt các động cơ khác có thể ảnh hưởng đến người mua, trong đó có độ tin cậy, hỗ trợ sau bán hàng (phụ tùng thay thế và nâng cấp), chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các nước có thể mua vũ khí từ nhà cung cấp cụ thể để đạt được những mục tiêu chính trị hoặc quân sự cụ thể, chẳng hạn như tăng cường liên minh, thúc đẩy khả năng hợp tác quân sự, tạo quan hệ gần gũi.

An Bình
(Theo Diplomat)