Đà Nẵng cần đột phá để thu hút đầu tư

Thứ tư, 29/10/2014 11:58

(Cadn.com.vn) - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư dân doanh trên địa bàn TP giảm mạnh, Đà Nẵng nên dồn sức lực vào cải thiện môi trường đầu tư, xem lại các thủ tục hành chính, chính sách thuế, cơ chế ưu đãi... để thu hút đầu tư.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng (IPC), tình hình thu hút đầu tư FDI của thành phố chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2013. Giải thích sự sụt giảm này, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc IPC, cho rằng đây là tình trạng chung khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều tập đoàn co cụm, không mở rộng đầu tư, thậm chí có tập đoàn bị vỡ nợ, sa lầy vào những khó khăn khác buộc phải bán bớt tài sản.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường tiêu thụ của TP Đà Nẵng nói riêng và khu vực duyên hải miền Trung nói chung nhỏ bé so với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng chưa phát triển, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ ít về số lượng, năng lực sản xuất hạn chế, hoạt động manh mún, thiếu sự liên kết, chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN có vốn FDI...

Thực tế trên địa bàn TP, trong những năm qua dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có vốn đăng ký lớn nhất, tuy nhiên, khi thị trường BĐS gặp khó khăn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án có vốn đăng ký đầu tư hàng trăm triệu USD nhưng đến nay vẫn bỏ hoang không triển khai...

Cần có chính sách “đón sóng” nhà đầu tư Nhật Bản (Trong ảnh: Sản xuất tại Cty Điện tử Foster, một DN FDI Nhật Bản).

Là đơn vị “cầu nối” trong việc kêu gọi các nhà đầu tư đến Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh cho biết để tìm hướng ra, hiện nay các hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... tiếp cận và mời gọi các tập đoàn đa quốc gia có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao..., đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Ông Nguyễn Cường, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số cải cách hành chính luôn đứng đầu cả nước... những tiêu chí mà các nhà đầu tư, DN đánh giá rất cao. Tuy vậy, Đà Nẵng không nên bằng lòng với những tiêu chí trên mà tiếp tục nỗ lực, cải thiện môi trường đầu tư một cách tốt nhất để “đón sóng” dòng vốn FDI mới sắp vào, đặc biệt là từ Nhật.

Theo ông Cường, thời gian gần đây, một số Cty Nhật Bản bắt đầu đa dạng hóa môi trường đầu tư của mình và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách không đầu tư hoặc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác mà trong đó, Việt Nam là nước đang được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, thành phố nên có một giải pháp đột phá và làm ngay để thu hút kêu gọi khối dân doanh, khối FDI đầu tư vào Đà Nẵng bằng cách xây dựng một cơ chế, chính sách riêng, cụ thể, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư bằng việc vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù mà Kết luận 75 của BCT sẽ dành cho TP Đà Nẵng. Trước mắt, nên  chọn ra những dự án quan trọng tạo sức lan tỏa cho cả vùng vừa tạo sức hút cho nhiều nhà đầu tư khác, vừa giải quyết công ăn việc làm cho xã hội...

Xuân Đương