Đà Nẵng “khát” lao động ở các khu công nghiệp
Mặc dù liên tục thông báo tuyển dụng lao động nhưng nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN), chế xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn không tuyển dụng đủ lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Chỉ khoảng 30% số lao động đăng ký tuyển dụng so với nhu cầu thực tế.
Nhiều doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đang “khát” lao động. |
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn TP có gần 74.000 lao động đang làm việc tập trung tại 6 KCN trên địa bàn TP gồm: KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và KCN Đà Nẵng). Tuy vậy, tại các KCN hiện nay vẫn thiếu gần 5.000 lao động. Thực tế, tình trạng trên đã tiếp diễn, kéo dài nhiều năm nay. Trong đó, chủ yếu là thiếu lao động ở các ngành sản xuất như: may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, cơ khí, gò hàn... Dạo quanh các KCN trên địa bàn TP có thể dễ dàng nhận thấy việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước thi nhau đăng thông tin tuyển dụng lao động. Xuất phát từ nhu cầu mở rộng kinh doanh, sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp nên nhu cầu lao động tại các KCN tăng cao, tình trạng “đỏ mắt” tìm lao động tại đây luôn diễn ra kéo dài.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, nhiều ý kiến cho rằng, chính vấn đề đẩy mạnh công nghiệp hóa nên đã có nhiều KCN, chế xuất thay nhau mọc lên. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn hầu như đều có từ một đến vài KCN giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ. Nếu như những năm trước đây, Đà Nẵng là trung tâm phát triển các KCN, thu hút lao động từ nhiều nơi đến làm việc như: Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam thì hiện nay nhiều KCN mọc lên, dần “phủ sóng” tại địa phương. Hơn thế, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến người lao động không thật sự mặn mà với các KCN trên địa bàn TP là do chính sách ưu đãi còn hạn chế, đời sống người lao động còn tương đối khó khăn với mức thu nhập thấp, bất cập trong việc ăn ở, sinh hoạt và nhu cầu nhà trẻ để gửi con...
“So với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng thì đa phần người lao động sẽ chọn làm việc tại các KCN ở quê hơn là ra TP. Bởi, mức sống ở quê vẫn còn thấp nên người lao động có thể chi tiêu, trang trải cuộc sống với mức lương đó”, ông Lê Vĩnh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) KCN Hòa Khánh cho hay. Cũng theo ông Tú, nhiều doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm nhưng việc tìm kiếm, đáp ứng đủ nhu cầu là tương đối khó khăn. “Thực tế đó đòi hỏi Trung tâm phải tìm mọi cách để thu hút lao động. Kể cả việc phối hợp với các đơn vị địa phương để tuyên truyền, tư vấn việc làm, đưa các trường hợp thất nghiệp về đào tạo làm việc cho KCN nhưng tình hình vẫn không khả quan”, ông Tú trao đổi.
Mặc dù các doanh nghiệp đăng tải nhiều thông báo tuyển dụng |
Theo số liệu TTTVVL KCN Hòa Khánh cung cấp, nhiều Cty tập trung tại các KCN trên địa bàn TP đăng ký tuyển dụng liên tục tại Trung tâm. Cụ thể, Cty TNHH Keyhinye Toys VN tuyển 1.000 lao động, Cty Phong Phú tuyển 1.000 lao động, Cty điện tử Foster tuyển 500 lao động, Cty Gốm sứ Cosani tuyển 100 lao động... nhưng số lao động ứng tuyển vẫn không đủ đáp ứng. “Trước việc thiếu hụt nguồn lao động Trung tâm đã chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, tổng hợp số lượng và tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu. Đồng thời tổ chức dạy nghề, đào tạo, mở các khóa học theo yêu cầu các doanh nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu lao động trước mắt cho các doanh nghiệp”, ông Tú cho biết.
Trên thực tế, nhiều năm qua LĐLĐ TP đã có nhiều giải pháp, chương trình hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người lao động ở các KCN, chế xuất. “Đời sống người lao động vẫn còn tương đối khó khăn, vất vả nên trách nhiệm của LĐLĐ phải quan tâm, giúp đỡ. Với các chương trình gắn liền với người lao động được LĐLĐ tổ chức thành công phần nào vơi bớt khó khăn cho người lao động được thực hiện như: Phiên chợ giá rẻ dành cho người lao động, chương trình Tết lao động, các hoạt động trong “Tháng công nhân”; tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền pháp luật; các hoạt động, chương tình giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại KCN được luân phiên tổ chức; chương trình “Phúc lợi đoàn viên” hướng đến ưu đãi cho các đoàn viên Công đoàn...”, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ TP nói. Dù vậy, qua khảo sát cho thấy người lao động ở các KCN vẫn còn nhiều nguyện vọng, trăn trở để có thể ổn định cuốc sống, yên tâm sản xuất. Vấn đề quan trọng đặt ra cho các ngành, đơn vị chức năng và các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động bây giờ là phải thật sự tạo thêm nhiều ưu đãi, hỗ trợ, cùng nhiều chính sách hướng đến chăm lo cuộc sống người lao động hơn nữa để có thể thu hút người lao động về các KCN.
PHI NÔNG